Dòng sự kiện:
Một khách, lỗ nặng nhưng tàu vẫn phải chạy
16/11/2018 18:39:51
Dù có 1-2 khách lên tàu từ ga xuất phát nhưng Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vẫn không thể bỏ các đoàn tàu chạy thường ngày từ Hà Nội đi Hạ Long, Lạng Sơn, Thái Nguyên vì đây là tàu phục vụ an sinh xã hội.

Đoàn tàu số hiệu 51501 xuất phát từ ga Yên Viên (Hà Nội) tới Hạ Long (Quảng Ninh) với một hành khách lên từ ga Yên Viên. Ảnh: Lê Dũng

Lỗ vẫn phải chạy

Từ ngày 2/9/2018, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã tổ chức chạy lại tàu thường ngày trên 3 tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hà Nội - Thái Nguyên, Yên Viên (Hà Nội) - Hạ Long (Quảng Ninh). Tuy nhiên số hành khách đi tàu vẫn không được cải thiện.

Tuyến Yên Viên - Hạ Long có ngày chỉ có 1-2 khách lên tàu từ ga Yên Viên, cộng với số khách lên tàu rải rác từ các ga tiếp theo, đoàn tàu chỉ phục vụ vài ba chục khách.

Phần lớn hành khách đi tàu là người buôn bán nông sản nhỏ lẻ vận chuyển hàng hóa bằng tàu.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, nhiều năm qua doanh nghiệp này và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã duy trì, tổ chức chạy tàu khách ở 3 tuyến trên với mục đích phục vụ vận tải an sinh xã hội.

Đây là những tuyến có doanh thu thấp, có đường bộ đi lại thuận lợi, mật độ hành khách đi lại không cao, năm nào cũng bị lỗ.

Những đoàn tàu chợ như tuyến Yên Viên - Hạ Long chỉ có 2 toa chở khách nhưng luôn thưa thớt người đi. Ảnh: Lê Dũng

Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn phải chạy tàu để đáp ứng một phần dân cư có nhu cầu đi lại trên tuyến, duy trì công việc cho các hệ thống công tác trong ngành đường sắt bố trí dọc theo tuyến.

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội tính toán việc chạy lại 3 tuyến tàu khách trên trong sáu tháng cuối năm 2018 doanh thu sẽ đạt khoảng 3 tỉ đồng, nhưng chi phí chạy tàu hơn 15 tỉ đồng, lỗ hơn 12 tỉ đồng.

Chờ trợ giá

Tháng 6/2018, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép được áp dụng hỗ trợ giá để chạy lại 3 tuyến tàu khách từ Hà Nội đi Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hạ Long thực hiện nhiệm vụ vận tải an sinh xã hội.

Luật đường sắt có hiệu lực từ 1/7/2018 nên phải đến năm 2019, ngành đường sắt mới nhận được hỗ trợ chạy tàu an sinh xã hội.

Dù vậy, từ 2/9/2018, đường sắt vẫn chạy lại hằng ngày các đoàn tàu trên 3 tuyến trên để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương có đường sắt đi qua.

Bà Phùng Thị Lý Hà, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết để hỗ trợ chạy lại tàu trên các tuyến này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã giảm giá điều hành chạy tàu cho công ty.

"Các tuyến tàu trên hoạt động với mục đích phục vụ an sinh xã hội chứ không cạnh tranh được với đường bộ. Trước đây, Tổng công ty Đường sắt từng muốn dừng nhưng các địa phương vẫn đề nghị chạy phục vụ dân sinh, đơn vị vận tải, quản lý đường sắt cũng muốn chạy tàu để duy trì tuyến. Vì vậy tàu vẫn chạy theo lịch trình, đến giờ khởi hành chỉ có 1-2 khách vẫn chạy", bà Hà lý giải.

Hiện tuyến Hà Nội - Thái Nguyên mỗi ngày chạy 2 đoàn tàu từ ga Long Biên đến ga Quán Triều và ngược lại. Đoàn tàu có 4 toa ghế ngồi với 288 ghế, đón - trả khách tại 8 ga, hành trình hơn 2 tiếng. Giá vé từ 15.000 đến 55.000 đồng tùy chặng.

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng chạy 2 đoàn tàu, mỗi đoàn có 3 toa xe với 224 chỗ ngồi. Tàu đón, trả khách tại 15 ga, hành trình 4 tiếng 35 phút. Giá vé từ 15.000 đến 89.000 đồng tùy chặng.

Tuyến Yên Viên- Hạ Long chạy 2 đoàn tàu, mỗi đoàn 2 toa, 184 chỗ ngồi. Tàu đỗ đón, trả khách tại 13 ga, hành trình gần 7 tiếng. Giá vé từ 20.000 đến 80.000 đồng tùy chặng.

Theo các chuyên gia vận tải, hiện nay các tuyến đường bộ từ Hà Nội đi Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hạ Long đều thuận tiện, thời gian đi lại nhanh nên đường sắt không thể cạnh tranh được về thời gian hành trình.

Mấy năm trước đây từng có doanh nghiệp Hàn Quốc khai thác đoàn tàu 5 sao từ Hà Nội đi Hạ Long nhưng bị phá sản vì thời gian chạy tàu vẫn chậm hơn đường bộ nên nếu đường sắt có đầu tư tàu hiện đại chạy trên khổ đường đã lạc hậu cũng không thu hút được khách.

Đặc biệt tuyến Yên Viên- Hạ Long có thời gian chạy tàu gần 7 tiếng nên giá vé dù chỉ 20.000 đến 80.000 đồng (tùy chặng) càng không thể cạnh tranh được với đường bộ khi thời gian đi ô tô từ Hà Nội tới Hạ Long chỉ còn 1 tiếng rưỡi.

Theo Tuổi trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến