Do ảnh hưởng của lạm phát và sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế, năm 2022, gần như các tỷ phú thế giới đều phải đối mặt với sự thất thoát tài sản do giá cổ phiếu sụt giảm.
Trong bối cảnh đó, Gautam Adani lại xuất hiện như một con “hắc mã” của bảng xếp hạng Forbes. Số tài sản của ông bay thẳng từ 50.5 tỷ USD trong năm 2021 lên 120,3 tỷ USD vào cuối năm nay và con số này vẫn tiếp tục tăng mỗi ngày.
Theo bảng xếp hạng Forbes, tỷ phú Ấn Độ xếp hạng thứ 3, theo sát nút tỷ phú Elon Musk, với sự chênh lệch tài sản chỉ có 16 tỷ USD (tính đến ngày 9/1/2023).
Adani Group là một tập đoàn của Ấn Độ có trụ sở tại bang Gujarat. Nó bao gồm 7 công ty niêm yết công khai với các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực năng lượng, cảng & hậu cần, khai thác mỏ & tài nguyên, khí đốt, quốc phòng & hàng không vũ trụ và sân bay. Hầu hết các công ty trong đế chế Adani đều do tỷ phú, gia đình ông và các công ty liên kết nắm giữ chặt chẽ, bao gồm gần 75% cổ phần trong AEL, Adani Power và Adani Transmissions.
Câu chuyện của một tỷ phú bỏ học
Gautam Adani sinh ngày 24/6/1962, là một tỷ phú thuộc tuổi Nhâm Dần. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu có 7 người con. Cha ông là chủ một tiệm may nhỏ.
Từng theo học bằng cử nhân thương mại tại đại học Guajarat, tuy nhiên chỉ học đến năm thứ 2 ông đã bỏ học để bắt đầu con đường sự nghiệp của mình. Điều này khiến ông đôi khi được so sánh với các ông trùm kinh doanh như John D.Rockfeller và Cornelius Vanderbilt từ Thời kỳ Vàng son của Mỹ, những người đã xây dựng các doanh nghiệp độc quyền to lớn vào những năm 1800.
Gautam Adani rất thích kinh doanh, nhưng lại rất có chủ kiến và tự lập, ông muốn có một cơ ngơi của riêng mình thay vì thừa kế cửa hàng của cha.
Năm 1978, mang theo hoài bão, thiếu niên Gautam Adani đến đến ‘thành phố của những giấc mơ’, Mumbai, chỉ với vài trăm rupee trong người. Ông đã đi làm phân loại kim cương tại Mahendra Brothers.
Đây là nơi ông kiếm lấy được “xô vàng” đầu tiên cũng như tích lũy kinh nghiệm đầu đời để xây dựng nên công ty môi giới kim cương tại Zaveri Bazaar, Mumbai sau này. Đây là phi vụ đưa ông trở thành triệu phú tuổi 20.
Năm 1981, tại Ahmedabad, anh trai của Gautam là Mansukhbhai Adani đã thành lập một đơn vị sản xuất nhựa và mời ông về làm quản lý. Đây là cửa ngõ để Gautam tiến tới giao dịch toàn cầu thông qua nhập khẩu Polyvinyl Clorua (PVC)
Năm 1988, ông thành lập một doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, mà sau này được biết đến là Adani Enterprises Limited (AEL)
Theo kịp con tàu cải cách của Ấn Độ, công ty của Gautam Adani cũng đã phát triển theo bước chân của thị trường kinh tế. Năm 1994, AEL trở thành công ty đầu tiên trong số các công ty của ông niêm yết trên thị trường chứng khoán của Mumbai.
Tim Buckley, giám đốc tổ chức tư vấn Tài chính Năng lượng Khí hậu có trụ sở tại Sydney, cho biết: “Adani đã rất sắc sảo ở chỗ ông ấy đã liên kết lợi ích thương mại của mình với lợi ích của Ấn Độ và lợi ích của thủ tướng Ấn Độ”.
Chủ tịch Tập đoàn Adani - Gautam Adani, bên trái, bắt tay với Thủ hiến bang Gujarat khi đó là Narendra Modi ở Gandhinagar vào tháng 1/2011
Năm 2022 đầy đột phá của Gautam Adani
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy cổ phiếu của 7 công ty niêm yết của Gautam Adani, trong các lĩnh vực từ cảng đến nhà máy điện, đã tăng từ 10% đến 260% kể từ đầu năm nay.
Nhờ đó, ông nhanh chóng trở thành người giàu thứ hai thế giới vào tháng 9, theo Bloomberg Billionaries Index, vượt qua người sáng lập Amazon Jeff Bezos. Đây là lần đầu tiên một người đến từ châu Á được xếp hạng cao như vậy trong danh sách vốn từ lâu đã bị thống trị bởi các doanh nhân công nghệ da trắng.
Đến tháng 12/2022, tuy rằng vị trí của ông trên Forbes bị tụt xuống hạng 3, nhưng tài sản của vị tỷ phú này vẫn tiếp tục tăng lên theo ngày.
James Crabtree, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Châu Á, cho biết: “Công thức thành công của Adani kết hợp giữa việc triển khai dự án mạnh mẽ với khả năng chấp nhận rủi ro cao và mức nợ cao, tất cả đều được hỗ trợ bởi các mối quan hệ chính trị chặt chẽ ở New Delhi”.
Năm 2022, cổ phiếu Adani Enterprises, công ty hàng đầu trong tập đoàn Adani đã tăng 57% khi doanh nghiệp của tỷ phú Ấn Độ tiếp tục mở rộng.
Sau khi sở hữu cảng thương mại lớn nhất Ấn Độ, nhà khai thác cảng lớn nhất Ấn Độ, là nhà sản xuất nhiệt điện tư nhân lớn nhất Ấn Độ, nhà phát triển và khai thác mỏ than lớn nhất Ấn Độ, năm nay, tập đoàn Adani lại thu thêm được danh hiệu nhà sản xuất xi măng lớn thứ 2 Ấn Độ sau khi mua chi nhánh của công ty xi măng Holcim, Thụy Sĩ tại nước này vào tháng 5/2022.
Đến đầu tháng 12/2022, tập đoàn Adani lại hoàn thành một phi vụ mới khi trở thành cổ đông số một của một trong những mảng truyền hình lớn nhất Ấn Độ, New Delhi Television.
Vẫn là một con người có cái tâm rất thiện
Tháng 6/2022, để chúc mừng sinh nhật mình, Gautam Adani và gia đình đã cam kết đóng góp 600 tỷ rupee, tương đương 7,7 tỷ USD cho hoạt động thiện nguyện. Đây là số tiền từ thiện lớn nhất tại Ấn Độ từ trước đến nay.
Gia đình tỷ phú Gautam Adani
Gautam Adani đã chia sẻ như này trong tuyên bố cam kết ủng hộ: “ Ngoài việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha, người đã truyền cảm hứng cho tôi, năm nay cũng là năm tôi sinh nhật 60 tuổi, vậy nên gia đình đã quyết định đóng góp 600 tỷ rupee cho các hoạt động từ thiện liên quan đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phát triển kỹ năng, đặc biệt là các vùng nông thôn”.
Các tỷ phú Ấn Độ đã từng bị chỉ trích vì không tham gia nhiều vào hoạt động thiện nguyện. Cam kết của Gautam Adani đã đưa ông trở thành một trong số ít các tỷ phú lấy ra một phần tài sản của mình để làm từ thiện.
“Gautam Adani và cam kết của gia đình ông sẽ trở thành một ví dụ điển hình rằng chúng ta đều có thể cố gắng sống theo nguyên tắc Ủy thác của cải của Mahatama Gandhi khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp thay vì chờ đợi đến những năm tháng cuối cuộc đời”, Premji đã phát biểu trong thông báo của Adani Group.
Tác giả: Hương Mai
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy