Dù chưa được chính thức được cấp phép bay và đề án đầu tư hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vẫn chưa được Thủ tướng thông qua, tập đoàn FLC đã thỏa thuận mua 44 máy bay hiện đại với giá trị hợp đồng là 8,6 tỷ USD.
Con số 44 máy bay, nếu được Bamboo Airways nhận bàn giao và sử dụng hết, lớn thế nào trong tương quan với lượng máy bay mà các đại gia hàng không của Việt Nam đang sở hữu và khai thác?
Gấp gần 3 lần số máy bay Vietjet Air đang sở hữu
Theo Planespoter, Vietnam Airlines đang là hãng bay Việt sở hữu lượng máy bay lớn nhất với 51 chiếc thuộc sở hữu. Tính thêm lượng máy bay đi thuê gồm 35 chiếc, đội bay của Vietnam Airlines có tổng cộng 86 máy bay.
Xếp thứ hai về sở hữu máy bay tại thị trường hàng không Việt Nam là Vietjet Air với 16 chiếc. Do đặc thù của mô hình hàng không giá rẻ, Vietjet Air thuê tới 38 máy bay, nhiều hơn cả số máy bay đi thuê của Vietnam Airlines. Hiện đội bay của hãng đang có tổng cộng 54 máy bay.
Đứng sau hai ông lớn, Jetstar Pacific chỉ sở hữu 7 chiếc máy bay và đi thuê 10 chiếc. Tổng cộng đội bay của hãng biên chế 17 chiếc máy bay.
Với lượng máy bay trên, cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều đang nắm giữ hơn 40% thị phần hàng không Việt, trong khi Jetstar Pacific nắm hơn 10% còn lại.
Nếu sử dụng toàn bộ 44 máy bay vừa đặt mua, Bamboo Airways của FLC sẽ sở hữu lượng máy bay gấp 2,75 lần Vietjet Air và chỉ kém 7 chiếc so với Vietnam Airlines đang sở hữu vào thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, vốn điều lệ của Bamboo Airways hiện chỉ là 700 tỷ đồng. Trong khi đó, con số vốn điều lệ của Vietjet Air là 4.513 tỷ đồng (gấp 6,5 lần) và của Vietnam Airlines là 12.275 tỷ đồng (gấp 17,5 lần).
Ông Trịnh Văn Quyết trong lễ ký kết hợp đồng mua 20 máy bay từ tập đoàn Boeing. Ảnh: FLC.
Hơn nữa, hãng hàng không startup này còn chưa được cấp phép và chưa bay thử thăm dò thị trường. Tờ Washington Post dẫn lời chuyên gia hàng không, cho rằng thương vụ của Bamboo Airways là "bất thường", "tự tin đến mức kiêu ngạo".
Hơn nữa, lượng máy bay mà Vietjet Air sở hữu chủ yếu là Airbus A320 và A321, trong khi đó Bamboo Airways đã mạnh tay mua 20 chiếc Boeing 787-9 tối tân. Lượng Boeing 787-9 mà Bamboo Airways vừa đặt mua đã gần gấp đôi so với 11 chiếc mà Vietnam Airlines hiện sở hữu.
Liệu có dùng hết?
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, với 700 tỷ đồng, Bamboo Airways chỉ có thể khai thác tối đa 10 máy bay.
Trường hợp của Bamboo Airways có nhiều điểm tương đồng với thương vụ mua 100 máy bay Boeing 737 của Vietjet Air năm 2016 trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama.
Hãng bay của bà Nguyễn Thị Phương Thảo khi đó cũng gây sốc với hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD mua 100 chiếc máy bay của Boeing với lý do "nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng mạng bay của hãng".
Báo chí trong nước và quốc tế khi đó cũng đã liên tục đưa tin về thương vụ "khủng" của một hãng hàng không nhỏ mới kinh doanh khởi sắc không lâu. Lãi trước thuế trong năm tài khóa 2015 của Vietjet Air cũng chỉ khoảng 37 triệu USD. Giá trị thương vụ gấp 305 lần số lãi trước thuế của hãng hàng không thời điểm đó.
Năm 2014, Vietjet Air cũng từng có thương vụ tương tự khi mua 100 máy bay A320 và A321 từ Airbus với tổng giá trị thương vụ lên tới 9,1 tỷ USD. Hãng sản xuất khẳng định sẽ giao máy bay ngay từ năm 2014.
Tuy nhiên trong hơn 200 chiếc máy bay đặt mua trên, Vietjet Air mới chỉ nhận về 16 chiếc. Từng chia sẻ với Zing.vn, đại diện Vietjet Air khẳng định ngoài việc biên chế máy bay mới vào đội bay, Vietjet Air cũng như nhiều hãng hàng không lớn khác luôn áp dụng nghiệp vụ "sale and leaseback" (bán và thuê lại máy bay - PV).
Điều này đồng nghĩa hãng bay thường không sử dụng toàn bộ hoặc thậm chí sử dụng một phần nhỏ trong tổng số máy bay đã đặt mua. Hãng bay có thể bán lại máy bay mới cho các bên thứ 3 để kiếm lời hoặc bán cho các đơn vị cho thuê máy bay và thuê lại chính máy bay đó để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, với sự hậu thuẫn của nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư, Vietjet Air khi đó có nguồn tiền rõ ràng hơn so với Bamboo Airways ở thời điểm hiện tại.
Ông Đặng Tất Thắng, CEO của Bamboo Airways cũng tự tin chia sẻ với Zing.vn rằng "đội ngũ thương mại, tài chính có tính toán rất kỹ từ việc xây dựng mạng lưới chuyến bay đến các bài toán tài chính". Hãng này đặt ra mục tiêu 2 năm sẽ bắt đầu có lợi nhuận.
Trong khi đó, chuyên gia hàng không quốc tế lại cảnh báo nguy cơ “phơi thân” với chi phí và nợ nần vì thương vụ mua máy bay “bất thường” này của FLC.
Theo Tri thức trực tuyến
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy