Dòng sự kiện:
Mua bán nợ xấu ì ạch, pháp lý vướng trăm bề
18/07/2022 10:39:19
Thông tư 14/2021/TT-NHNN chính thức hết hiệu lực, nợ xấu BĐS và trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ tăng trong khi thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành, việc luật hóa nợ xấu đang trong giai đoạn nước rút.

Nợ xấu vẫn là nỗi lo lớn của các ngân hàng

Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chính thức hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022. Theo ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước), dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo thông tư này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng dư nợ, nên việc dừng thực hiện không khiến nợ xấu toàn hệ thống bị ảnh hưởng.

Cuối năm ngoái, dư nợ tái cơ cấu vì Covid-19 chiếm khoảng 5% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo thống kê của SSI Research, tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tái cơ cấu vì Covid-19 chỉ còn chiếm khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay. Một số ngân hàng đã giảm mạnh dư nợ tái cơ cấu (như Vietcombank giảm 62% so với đầu năm, BIDV giảm 31% so với đầu năm).

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, ACB, MBBank, Techcombank đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu vì Covid-19. Chính vì vậy, việc dừng Thông tư 14/2021/TT-NHNN không gây áp lực tăng nợ xấu, cũng như làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định, khả năng nợ xấu tăng là khó tránh khỏi. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2%, tăng từ mức 1,4% hiện nay. “Nếu Thông tư 14/2021/TT-NHNN không được gia hạn, thì những khoản vay lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm. Như vậy, đương nhiên nợ xấu sẽ tăng”, ông Lực phân tích.

Mặc dù nợ xấu tăng do dừng chính sách cơ cấu nợ là không lớn, song đáng lo là nợ xấu tiềm ẩn từ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ tăng bắt đầu từ năm 2023 do 2 thị trường này đang rơi vào trạng thái đóng băng.

SSI Research cho rằng, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản (25% trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn vào năm 2022 và 65% đến hạn vào năm 2023, năm 2024), làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thừa nhận, dù dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát ở Việt Nam, song hậu quả của nó vẫn còn và nợ xấu luôn là nỗi lo lớn nhất của ngân hàng.

Mua bán nợ xấu vẫn chật vật, sốt ruột chờ luật hóa nợ xấu

Với hoạt động ngân hàng, nợ xấu là khó tránh khỏi. Tuy vậy, điều các ngân hàng lo ngại là quá trình xử lý nợ xấu hiện gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, “chợ” mua bán nợ xấu cũng chưa hình thành dù sàn giao dịch nợ xấu đã được lập.

Nghị quyết 63/2022/QH15 kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14, đồng thời sửa đổi bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng. ngân hàng Nhà nước đang gấp rút triển khai và dự kiến lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của văn bản trong khoảng tháng 7 - tháng 8/2022.

- Bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước)

Ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho hay, năm 2021, VAMC đã thành lập sàn giao dịch nợ, song con số nợ xấu đang niêm yết trên sàn giao dịch nợ của VAMC mới đạt trên 30.000 tỷ đồng. Việc xử lý tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản dở dang cũng gặp nhiều vướng mắc.

Mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản dở dang, song đến nay, sau 5 năm Nghị quyết có hiệu lực, VAMC mới chuyển nhượng được duy nhất một dự án bất động sản dở dang tại TP.HCM, còn các địa phương khác thì không thể thực hiện.

“Cách hiểu, cách vận dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ở mỗi địa phương một kiểu và theo cảm quan của tôi, dường như trách nhiệm chung của việc xử lý nợ xấu này là của ngành ngân hàng thì phải, mà chưa nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề chung của nền kinh tế, việc tháo gỡ nợ xấu không chỉ giúp khơi thông ngành ngân hàng, mà còn là động lực để phát triển nền kinh tế nữa”, ông Nam cho hay.

Đồng tình ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra thực tế, ở Việt Nam, đa số các quan điểm hiện nay ủng hộ bên đi vay nhiều hơn bên cho vay, mối quan hệ giữa bên vay (doanh nghiệp) và bên cho vay (ngân hàng) không được bình đẳng. “Tôi hay nói vui là, bên đi vay là người đi bộ, còn bên cho vay là người đi ô tô, kiểu gì ô tô cũng có lỗi. Tư duy đó cần phải được thay đổi, nếu không, chúng ta mãi mãi không giải quyết được câu chuyện xử lý nợ xấu”, TS. Lực khuyến cáo.

Hiện tại, Quốc hội đã cho phép gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 đến hết năm 2023, đồng thời yêu cầu Chính phủ sớm luật hóa nợ xấu.

Tác giả: Hà Tâm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến