Ngân hàng phân phối trái phiếu: Rủi ro vẫn ở phía nhà đầu tư
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã đề cập đến vai trò của các ngân hàng trong thị trường này.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, số liệu báo cáo cho thấy, về cơ cấu mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Nhưng, không thể khẳng định được lượng trái phiếu này chỉ nằm yên ổn trong túi công ty chứng khoán và ngân hàng.
Ông Hiếu lấy ví dụ tại Mỹ, hệ thống ngân hàng chia làm hai phân khúc gồm ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trong đó, chỉ có ngân hàng đầu tư mới được phép hỗ trợ phát hành trái phiếu. Trái lại, tại Việt Nam, các ngân hàng rất đa chức năng, đồng thời vừa là ngân hàng thương mại vừa là ngân hàng đầu tư.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Vneconomy).
Thời gian qua, sự hỗ trợ của các ngân hàng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Họ hỗ trợ về kỹ thuật để các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành. Sau đó, ngân hàng còn hỗ trợ phân phối lượng trái phiếu đó. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch bệnh, lượng trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng rất mạnh.
Hiện người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay.
Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.
"Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ", vị chuyên gia đánh giá.
Ngoài ra, chuyên gia này còn cho rằng, lượng trái phiếu đang hiện hành chủ yếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu thì biến động theo thị trường. Trường hợp là tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền lực để thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng.
Thậm chí, khi doanh nghiệp bị vỡ nợ, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên: thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ ngân hàng… gần cuối cùng mới đến người mua trái phiếu.
"Nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn. Và các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ", ông Hiếu nhấn mạnh.
Nguy cơ vỡ "cục nợ" trái phiếu 3-5 năm tới
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings (FiinGroup), cho hay trong bối cảnh hiện nay, phát hành trái phiếu là cơ hội giúp cho doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư phát triển; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nếu không có kênh trái phiếu sẽ trở thành gánh nặng lớn cho ngân hàng.
Tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư trái phiếu so với dư nợ ngân hàng chiếm khoảng 12% nhưng tính trên phần dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng hơn 30%. "Nếu không có kênh trái phiếu qua từng đó năm thì tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp đã quỵ, hệ thống ngân hàng thêm gánh nặng, vốn tự có ngân hàng không đáp ứng được", ông Thuân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings.
Tuy nhiên, theo quan sát của vị diễn giả này trong hơn 10 năm qua thấy rằng có một thực tế trớ trêu là hầu hết các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, theo tiêu chí có tài sản danh mục hơn 2 tỷ đồng, có khi không biết về chỉ số cơ bản.
Còn doanh nghiệp, tổ chức phát hành thì "vàng thau lẫn lộn". Một số doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng trong phương pháp luận của xếp hạng tín nhiệm thì tài sản thế chấp không có giá trị nhiều lắm, ngoại trừ với ngân hàng phát hành riêng lẻ.
"Nếu đầu tư vào trái phiếu, niêm yết hay không niêm yết, ai dám đảm bảo niêm yết trả nợ tốt hơn", ông Thuân đặt nghi vấn. Do đó, vị diễn giả này cho rằng nếu không kiểm soát tốt, 3-5 năm tới rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính Việt Nam chính là "cục nợ" trái phiếu này.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt 235.094 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng và bất động sản phát hành thành công tới 170.800 tỷ đồng, chiếm 72,7% tổng giá trị phát hành.
Cụ thể, theo VBMA, trong 7 tháng đầu năm 2021 có tổng cộng 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 235.094 tỷ đồng. Trong đó, có 363 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 225.509 tỷ đồng; 13 đợt phát hành ra công chúng giá trị 9.584 tỷ đồng và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD.
Nhóm các ngân hàng thương mại dẫn đầu thị trường với tổng giá trị phát hành đạt 95.000 tỷ đồng.ỉa:
Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai, với tổng khối lượng phát hành 75.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số trái phiếu bất động sản phát hành này, có khoảng 15% trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Tác giả: Nguyễn Hiền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy