Dòng sự kiện:
Mục tiêu nào cho điều hành chính sách tiền tệ năm 2019?
24/12/2018 09:53:34
Ngày 19/12, NHTW Trung Quốc (PBoC) phát đi thông điệp nới lỏng tiền tệ trong những năm tới. Cùng ngày, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm.

Những vấn đề trên luôn thường trực tác động lên tỷ giá, lạm phát và lãi suất Việt Nam.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn phải theo đuổi nhiều mục tiêu Chính phủ đề ra thì việc đưa ra mục tiêu tiên quyết và sự linh hoạt trong chính sách điều hành tiền tệ là yếu tố vô cùng quan trọng.

Có thể thấy chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN nhiều năm qua ảnh hưởng không ít từ PBoC. Minh chứng điều này đơn cử như đợt Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ năm 2015, ngay lập tức Việt Nam cũng có những điều chỉnh tỷ giá. Mục tiêu nước ta đề ra 2 năm qua là “cố gắng giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng” cũng ít nhiều chịu tác động của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.


Biểu đồ thể hiện sự biến động của tỷ giá. Ảnh: Thomson Reuters, Sacombank Research

Mục tiêu này đã bỏ qua các vấn đề vĩ mô khác đang bất ổn và đè nặng lên vai nhà điều hành CSTT khi việc giảm lãi suất là vô cùng khó trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất. Và rồi, NHNN vẫn hạ 0,25% lãi suất điều hành OMO (lãi suất mua/bán kỳ hạn giấy tờ có giá trên thị trường mở) lần đầu tiên sau 5 năm trái ngược với các quốc gia khác trong khu vực liên tục tăng lãi suất điều hành như Indonesia, Philippines và mới đây nhất là Thái Lan.

CSTT trong năm 2018 của Trung Quốc thấy rõ là nới lỏng, kinh tế Trung Quốc đang gặp phải nhiều vấn đề, một trong số đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc trở nên khó khăn trong 2018, trong khi ngành này luôn là đầu tàu kinh tế năm 2017.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng quí 3 quốc gia này chỉ đạt 6,5%, thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, thêm vào đó là đồng nhân dân tệ mất giá mạnh so với đô la Mỹ, khoảng hơn 7% từ đầu năm. Dự trữ ngoại hối Trung Quốc từng giảm mạnh khoảng 30 tỉ đô la hồi tháng 10 là bằng chứng cho thấy dòng vốn liên tục rút khỏi thị trường này.

Ngày 19-12 vừa qua, ngay trước thềm cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) về vấn đề tăng lãi suất, PBoC đã phát đi thông điệp tiếp tục nới lỏng tiền tệ, kéo lãi suất cho vay xuống để tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ. Điều đáng lưu ý là lộ trình này kéo dài trong 3 năm tới và công cụ được sử dụng có thể vẫn là dự trữ bắt buộc, sau 4 lần giảm tỷ lệ dự trữ này trong năm 2018.

Dự trữ bắt buộc được coi là công cụ mạnh nhất trong CSTT, tác động mạnh tức thì tới cung tiền và thường chỉ áp dụng trong thời điểm quá cấp bách. Lần gần nhất Việt Nam giảm tỷ lệ này là đầu năm 2016. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đang mạnh tay tìm biện pháp để vực dậy nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc và đang tìm cách làm nhân dân tệ mất giá để giải phóng cho tình hình xuất khẩu đang trì trệ.

Nhìn nhận nội tại nền kinh tế nước ta, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế là điều không thể vào thời điểm hiện tại. Giảm lãi suất cũng đồng nghĩa với việc giảm khả năng sinh lời của tiền đồng trong bối cảnh các quốc gia láng giềng liên tục tăng lãi suất, điều này khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi Việt Nam, làm gia tăng tình trạng đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế và áp lực cho tỷ giá cũng như lạm phát.

Để giảm thiểu tác hại từ giảm lãi suất, bắt buộc cần có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào hoặc các biện pháp hành chính như luật pháp để ngăn chặn tình trạng bán tháo tài sản nội tệ, chuyển sang tài sản ngoại tệ khác hay rút vốn ra nước ngoài ồ ạt. Xong biện pháp hành chính sẽ gia tăng rủi ro về pháp luật, càng làm giảm nhu cầu đầu tư từ quốc tế vào Việt Nam.

Còn dự trữ ngoại hối, tuy NHNN liên tục mua ròng được đô la từ năm 2017, đẩy mức dự trữ ngoại hối đạt 63 tỉ đô la vào hồi tháng 5-2018, xong vẫn chỉ ngang với vài tuần nhập khẩu và thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái lan (204 tỉ đô la), Indonesia (118 tỉ đô la) hay Trung Quốc - quốc gia nắm giữ nguồn dữ trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỉ đô la (số liệu từ trang Tradingeconomics vào thời điểm 7-9-2018). Mức dự trữ này là quá mỏng để phòng vệ trước một cú sốc rút vốn khỏi nền kinh tế.

Nói vậy để thấy việc giảm lãi suất hay theo đuổi những chính sách giống PBoC là điều khó có thể thực hiện với Việt Nam, nhất là trong xu thế tăng lãi suất chung của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực. Mục tiêu tiên quyết của CSTT năm tới cần hướng tới ổn định vĩ mô, điều hòa tổng thể các biến số vĩ mô và hoàn toàn có thể tính tới việc tăng lãi suất điều hành để giảm thiểu áp lực cho tỷ giá và lạm phát.

Năm 2019, CSTT Việt Nam cần điều hành trong tương quan với quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á, tương đồng về trình độ và sức mạnh, đồng thời giảm thiểu lệ thuộc vào chính sách từ Trung Quốc vì vấn đề mà nền kinh tế 2 quốc gia gặp phải là khác nhau và tương quan sức mạnh hai nền kinh tế chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, CSTT cũng cần vô cùng linh hoạt trong điều hành tỷ giá để cân bằng sức mua hai đồng tiền này, nếu không sẽ gây thâm hụt lớn cho cán cân thương mại của Việt Nam so với Trung Quốc.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến