Dòng sự kiện:
Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh VN cần ổn định kinh tế vĩ mô
22/02/2015 11:03:28
ANTT.VN – “Muốn đảm bảo năng lực cạnh tranh của VN khi các Hiệp định hợp tác kinh tế được thông qua cần phải đẩy mạnh điều chỉnh chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát và bội chi ngân sách xuống mức thấp nhất”.

Tin liên quan

Đó là ý kiến trao đổi của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính trước những cơ hội cũng như thách thức mà các Hiệp định hợp tác kinh tế sẽ được ký kết và đi vào thực thi trong năm 2015.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (ảnh:daidoanket.vn)

Thưa PGS.TS, Việt Nam đang ở trong những ngày đầu tiên của năm mới 2015, nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế VN trong năm 2014, ông đánh giá đâu là điểm sáng nhất của nền kinh tế VN trong năm qua?

Năm 2014 rõ ràng là việc điều hành tiền tệ của chúng ta rất tốt - là điểm sáng trong các điều hành của chính phủ, lạm phát ở mức độ thấp nếu tính cả giảm trừ theo thông lệ quốc tế thì lạm phát ở VN chưa đến 4%, còn nếu theo thông báo chính thức của Nhà nước VN thì khoảng 2% nhưng thực ra giảm trừ các thứ khác đi thì còn khoảng 4%. Nếu là 4% thì vẫn ở mức thấp so với các năm từ trước tới nay và cũng tương đối thấp so với một số nước trong khu vực, tuy nhiên với một số nước phát triển hơn trong khu vực thì lạm phát của nước ta vẫn còn ở mức cao, nếu không ổn định kinh tế vĩ mô thì chúng ta vẫn là nước lạm phát cao, trong khối ASEAN.

Và, rõ ràng cuối năm 2015 chúng ta sẽ tham gia vào Cộng đồng kinh tế Asean - đó cũng là điều mà chúng ta phải cắt giảm thâm hụt ngân sách cũng như làm giảm lạm phát để chúng ta có thể có được một mức tương đồng so với các nước trong khu vực, đương nhiên nếu ta giảm được lạm phát và ổn định kinh tế thì lãi suất chúng ta mới xuống thấp, như vậy mới tương đồng với mức lãi suất của các nước trong khu vực ASEAN và các DN VN mới có thể cạnh tranh được với DN các nước khác.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng của nước ta cũng tương đối tốt mặc dù trong năm vừa rồi có rất nhiều khó khăn, chúng ta đang trong quá trình tái cấu trúc tài chính ngân hàng, có việc sáp nhập và siết chặt tín dụng về mặt gọi là quy trình cũng như các điều kiện để đảm bảo an toàn tín dụng cao, thế nên việc đạt được mức  tăng trưởng tín dụng 13 – 14 % như năm 2014 vừa rồi cũng là điều đáng ghi nhận. Thêm vào đó hầu hết tất cả các lĩnh vực trong chỉ tiêu đề ra là chúng ta đạt được, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế chúng ta hơn 5,9% theo như số liệu thống kê của nhà nước VN là vượt ở mức cao, mặc dù Ngân hàng Thế giới đánh giá là chúng ta đạt khoảng 5,6%...rõ ràng là chúng ta đã bước qua thời kỳ trì trệ và trầm lắng về mặt kinh tế để bước vào giai đoạn mới trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đặc biệt chúng ta đã nhìn thấy kết quả ban đầu của tái cấu trúc kinh tế để các doanh nghiệp, người dân cũng như các nhà quản lý tin tưởng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế.

Thực tế, tái cấu trúc nền kinh tế của chúng ta rất chậm vì mấy trụ cột chúng ta nêu ra như: Tái cấu chúc hệ thống ngân hàng thì chúng ta làm chậm, chúng ta muốn rằng trong năm 2014 vừa rồi chúng ta phải làm được 9 -10 ngân hàng nhưng thực ra chúng ta cũng không đạt được mức đó, rồi trong năm 2014 chúng ta đặt ra phải giải quyết lượng lớn nợ xấu, nhưng về mặt báo cáo thì có vẻ như chúng ta giảm rất nhiều còn thực tế nhiều khoản nợ được đảo đi, được thay hình đổi dạng chứ nợ xấu giảm không được nhiều.

Còn về việc cải cách các DN nhà nước là một khâu rất quan trọng được nhiều nhà kinh tế trong và ngoài nước nói đến thì chúng ta lại làm quá chậm nó chỉ khoảng gần 1 nửa số DN trong mức yêu cầu của nhà nước phải cổ phần hóa, còn lại thì chúng ta chưa thực hiện được, mức độ trì trệ trong cổ phần hóa là yếu điểm lớn nhất trong năm vừa qua.

Còn vấn đề tái cấu trúc trong hoạt động kinh doanh cũng như trong các DN khác nhau thì đây cũng là vấn đề chúng ta chậm thực hiện. Quan hệ giữa chính sách với các DN, nhất là DN tư nhân còn rất kém.

Chúng ta cũng phải hình dung trong nền kinh tế thị trường thì DN tư nhân mới là động lực chính để phát triển sản xuất thì chính những chính sách chúng ta vẫn còn mắc và chưa đến được với các DN đó. Số DN phá sản trong mấy năm qua đang tăng lên mặc dù số DN thành lập cũng tăng nhưng tăng chậm hơn và đấy cũng là một vấn đề.

Chưa nói đến các chính sách thuế, các chính sách khác của chúng ta chưa thực sự ưu tiên, chưa thực sự khuyến khích các DN vừa và nhỏ. Vì thế cần phải có những chính sách gần với loại hình DN này hơn để thúc đẩy DN này phát triển.

Theo PGS.TS, liệu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 6,2% có khả thi?

Tất cả các mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế nếu như các điều kiện khác mà như hiện nay - giá dầu thô chỉ tầm 60 – 70 USD/thùng, giá của các mặt hàng sẽ còn giảm đi và các tác động lan tỏa của việc  giảm giá đó tiếp tục kéo dài trong khoảng thời gian tầm hơn 1 năm nữa, hay đến giữa năm 2015 thì còn tác động đến giữa năm 2016 và nếu vẫn giữ mức giá dầu thô như bây giờ thì mục tiêu 6,2 % tăng trưởng kinh tế thậm chí có thể còn đạt được ở mức cao hơn tầm gần 7%.

Nếu trong những tháng đầu năm 2015 này, giá dầu từ từ tăng lên tầm 80 – 90 USD/thùng, thì mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2 – 6,3 % cũng không phải là quá khó. Tuy nhiên điều quan trọng nhất mà chúng ta phải gắn chặt đối với tăng trưởng kinh tế là chất lượng tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng phải thay đổi, chứ nếu chỉ nói riêng tốc độ tăng trưởng GDP thì không phải là quá khó, nhưng nếu chúng ta gắn với tái cấu trúc kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng từ chỗ chúng ta bán tài nguyên thiên nhiên giá rẻ như dầu thô, sang tinh chế, bán sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao và sản xuất mặt hàng có giá trị lớn, thực hiện quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn thì đó mới là cái để chúng ta phát triển bền vững trong lâu dài. Mà nếu muốn như vậy, chúng ta phải đẩy mạnh rất nhiều thứ thậm chí chúng ta phải giảm mức độ tăng trưởng nhưng thà rằng đau, thà rằng chúng ta cắt giảm một số cái để mà chúng ta tinh giản hơn, gọn nhẹ hơn chuyển hướng được nền sản xuất sang một mô hình mới nhưng có hướng phát triển bền vững lâu dài thì đó mới là điều chúng ta quan tâm.

Với giá dầu như bây giờ thì mục tiêu 6,2% không khó để đạt được nhưng cái quan trọng là sau năm 2015 nó sẽ ra sao? và đến năm 2020 nó sẽ thế nào? thì chính mô hình tăng trưởng của chúng ta bây giờ phải làm, bởi trong giai đoạn giá dầu đang thấp, chi phí đang thấp chúng ta có thể tận dụng được rất nhiều cơ hội để đổi mới cơ chế thay đổi mô hình tăng trưởng lúc đó nó mới bền vững, lâu dài được.

Nếu vẫn tiếp tục mô hình đầu tư theo chiều rộng cứ tăng vốn đầu tư lên mấy chục % đó rồi từ đó để tăng trưởng GDP thì không giải quyết được vấn đề, điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thực hiện cải cách giảm thiểu các DN nhà nước, cải cách hành chính cho gọn nhẹ và làm thế nào để tất cả bộ máy phải có nhìn nhận chuyển hướng sang một mô hình khác trong tăng trưởng, đẩy được năng suất lao động lên cao.

Vì thế chúng ta phải cải cách hành chính mạnh mẽ và có sự chuyển đổi quyết liệt thì mới hi vọng chúng ta tăng trưởng được lâu dài và bền vững. Bên cạnh đó có rất nhiều công trình, dự án mà chúng ta phải xem xét lại hiệu quả của nó, như một số công trình càng làm càng lỗ thì chúng ta phải tìm cách giảm biến động hoặc dừng khai thác vì càng khai thác càng lỗ thì khai thác để làm gì?

Thưa PGS.TS, theo ông dự báo liệu mức lạm phát 2015 có thấp hơn nhiều hơn 2014?

Cái đó tùy thuộc vào rất nhiều vấn đề, nếu nói đến lạm phát thì việc điều chỉnh kinh tế vĩ mô, điều chỉnh tỷ giá của chúng ta có tác động rất quan trọng.

Thứ hai nữa, giá đầu ra đầu vào cũng như tâm lý của người dân cũng tác động rất lớn đến lạm phát. Với một tâm lý đang tốt như hiện nay của DN cũng như người dân về tỷ lệ lạm phát thì chúng ta hoàn toàn có thể duy trì được tỷ lệ lạm phát thấp, tuy nhiên một số nhà kinh tế của chúng ta hiện nay cho rằng mức lạm phát của chúng ta trong năm vừa qua ở mức tương đối thấp rồi thì nới rộng ra một chút để có lạm phát tích cực, để có tiền để đầu tư… Tôi nghĩ rằng cái đó là sai lầm, chính vì tư tưởng là phải có lạm phát tích cực để có tiền đầu tư, dẫn đến chúng ta không chú trọng đến việc sử dụng vốn có hiệu quả, vấn đề quan trọng trong đầu tư của chúng ta hiện nay là chúng ta sử dụng vốn cực kỳ không có hiệu quả, số vốn thực tế đi vào các công trình rất thấp, số rơi rụng, số mắc lại ở cấp trung gian còn nhiều quá, vì thế nếu chúng ta cắt giảm được những cái đó nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn thì chúng ta đã bằng mấy lần việc để lạm phát tích cực để đầu tư.

Rõ ràng lạm phát kéo theo rất nhiều hệ lụy, khi lạm phát thì có những đồng tiền không mất “ mồ hôi sương máu” mà có được nên không quan tâm đến vấn đề quản lý thì tham nhũng, thất thoát rất lớn, chi bằng ta làm cho lạm phát thấp đi, đồng thời ráo riết điều hành cải cách hành chính, ráo riết điều hành chi tiêu công và các hoạt động đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư thì sẽ bù lại cái gọi là lạm phát tích cực. Nếu chính phủ điều hành như thế thì có thể lạm phát sẽ thấp hơn 2014, nhất là trong năm 2015 – 2016 chúng ta tham gia rất nhiều hiệp định về mặt hợp tác kinh tế như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái bình dương chắc chắn trong năm nay chúng ta phải ký vì năm ngoái chúng ta và các nước đã cố đàm phán nhưng vẫn chưa xong, hay là một số hiệp định đối tác với các nước lớn khác trong khu vực và trên thế giới cũng đã đang trong giai đoạn đàm phán tích cực nhất để hoàn chỉnh.

Trong năm 2015, nếu chúng ta không hạ thấp tỷ lệ lạm phát, không hạ thấp sự bội chi ngân sách thì khi các hiệp định được thực thi, “cửa nhà” chúng ta mở rộng ra các DN nước ngoài họ vào thì năng lực cạnh tranh của DN VN sẽ gặp vấn đề, do lạm phát cao, do lãi suất cao, do các điều kiện tiếp cận cũng khác…, thì rõ ràng năng lực cạnh tranh của chúng ta kém thì càng ngày chúng ta càng tụt xa so với xã hội.

Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập một cách toàn diện và mạnh mẽ trong năm 2015 cũng như trong thời gian tới chúng tôi mong muốn và hi vọng rằng Chính phủ điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thấp sự lạm phát cũng như bội chi ngân sách xuống mức thấp nhất, cải cách thủ tục hành chính và chuyển hướng mô hình quản lý kinh tế thì mới đảm bảo được năng lực cạnh tranh của VN.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến