Dòng sự kiện:
Muốn thị trường chứng khoán phát triển bền vững, cần nhà đầu tư tổ chức
24/03/2019 10:01:51
Để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển bền vững hơn, chúng ta cần có các chính sách có thể thu hút nguồn vốn nước ngoài thông qua TTCK và phát triển các nhà đầu tư tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các chính sách kinh tế khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn xác định vai trò rất quan trọng và hết sức cơ bản của thị trường vốn, trong đó quan trọng nhất là thị trường chứng khoán (TTCK) vì những đóng góp rất nhiều mặt của thị trường này.


TTCK không chỉ là kênh huy động bổ sung nguồn vốn đầu tư cho đầu tư phát triển của đất nước mà còn là kênh, là cỗ máy để phân bổ lại các nguồn lực tài chính từ các hoạt động chưa hiệu quả sang các hoạt động hiệu quả hơn, tạo sự năng động cho nền kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời nó cũng là hàn thử biểu hết sức quan trọng để Chính phủ điều hành kinh tế cũng như có những phản ứng kịp thời trước những thay đổi của thị trường trước những sự biến động của dòng vốn.

Nhấn mạnh đến vai trò của một kênh huy động, ông Mạnh cho biết, về tổng thể quá trình tái cơ cấu đầu tư của Việt Nam hướng đến sẽ làm giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực Nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội xuống còn 31-34% vào năm 2020. Nhưng trên thực tế, tỷ trọng này đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Nếu như thời điểm cuối năm 2015, tổng đầu tư của khu vực Nhà nước còn xấp xỉ 40% tổng đầu tư toàn xã hội, thì các năm 2016 và 2017 con số này liên tục giảm, còn 36,8% năm 2016 và đến 2017-2018 còn khoảng 34%.

“Mặc dù nguồn vốn từ khu vực công giảm sút như vậy, song chúng ta vẫn duy trì được tổng đầu tư toàn xã hội tăng để hỗ trợ tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 7% trong những năm qua là một minh chứng rất rõ ràng của thị trường vốn, đặc biệt là TTCK trong việc huy động nguồn đầu tư từ các kênh và từ các nguồn kém hiệu quả hơn cho phát triển tăng trưởng của đất nước”, ông Mạnh cho hay.

Nhấn mạnh vai trò phân bổ hiệu quả nguồn lực, ông Mạnh cho biết, việc phân bổ nguồn lực từ bộ máy hành chính thường không thể hiệu quả và không thể đáp ứng được tính hiệu quả cao nhất như thị trường. Chính TTCK là nơi tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

“Quá trình hoạt động và quy mô của TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực trong tái cấu trúc và tái phân bổ lại nguồn lực. Đây chính là mục tiêu tái cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo”, ông Mạnh cho biết thêm.

Là thành viên gắn bó với TTCK Việt Nam những năm đầu thành lập, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital cũng đánh giá rất cao vai trò của TTCK trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Song ông lại đặc biệt quan tâm đến các chính sách để làm thế nào Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn nước ngoài thông qua TTCK và phát triển các NĐT tổ chức để TTCK Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Ông cho biết, một số quy định về mở tài khoản ngân hàng cho tổ chức không có tư cách pháp nhân đang khiến các quỹ đầu tư, ngân hàng đại diện cho các NĐT nước ngoài gặp một số khó khăn nhất định. Ðể giúp NĐT ngoại thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường, cần sửa đổi các quy định này theo hướng phù hợp hơn.

Về tỷ lệ sở hữu, cần sửa đổi quy định tại Ðiều 23 - Luật Ðầu tư về việc coi DN có sở hữu nước ngoài trên 51% là DN ngoại để tránh tạo ra cạnh tranh không công bằng giữa các DN. Ðồng thời, cần nâng room ngoại tại các ngân hàng từ 30% lên 49% nhằm tăng thu hút vốn ngoại khi các ngân hàng đang nỗ lực tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Về cơ sở NĐT, ông Dominic Scriven cho biết, ở các TTCK phát triển, tỷ trọng NĐT tổ chức tham gia thường chiếm 50-70%, nhưng ở TTCK Việt Nam thì ngược lại. Sự thiếu vắng các NĐT tổ chức chuyên nghiệp gây khó khăn cho các NĐT cá nhân - vốn là những đối tượng cần có sản phẩm an toàn và lâu dài. Ðiều này khiến cho hoạt động của thị trường thiếu ổn định. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng để thành lập quỹ hưu trí tự nguyện, mở đường cho loại hình tổ chức khác tham gia vào thị trường, đa dạng sản phẩm đầu tư.

“Việc thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết cổ phiếu sau cổ phần hóa, thoái vốn của Chính phủ đã và đang giúp cải thiện nguồn cổ phiếu cho TTCK Việt Nam, tạo cơ hội cho NĐT nước ngoài. Ðể hoạt động này đạt nhiều kết quả tích cực hơn, những phương thức phát hành tiên tiến như phương thức dựng sổ cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến