Dòng sự kiện:
Muốn vay lại vốn ODA phải không có nợ quá hạn
01/06/2017 05:47:03
Địa phương nào có nợ quá hạn trên 180 ngày thì không được đề xuất các công trình dự án vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2017/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó quy định điều kiện UBND cấp tỉnh được vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi. Ngày 31/5/2017, Bộ Tài chính đã họp báo công bố những nội dung chính của Nghị định.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: Trong giai đoạn 2004 - 2015, các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn để xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội nhưng tính đến năm 2015, mới chỉ có 13 địa phương tự cân đối được thu chi và điều tiết về Trung ương, phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, Trung ương phải trợ cấp.  

Tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết trong giai đoạn này khoảng 45 tỷ USD có tính ưu đãi cao (chủ yếu là vốn ODA, lãi suất trung bình khoảng 1%, kỳ hạn dài đến 40 năm). Số vốn vay dành cho các chương trình dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương khoảng 15,51 tỷ USD (chiếm 35%) trong tổng số vốn vay cho chương trình dự án của địa phương, trong khi tỷ trọng vốn cấp phát còn lớn  tới 92,2% thì tỷ trọng cho vay lại còn hạn chế, chỉ có7,8%.    

Cơ chế cấp phát cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, chưa đảm bảo sự hỗ trợ đồng đều của Trung ương tới các địa phương, chưa khuyến khích các địa phương phát huy tối đa tính chủ động để đạt được hiệu quả sử dụng vốn tối ưu. Một số địa phương lớn được hỗ trợ nhiều, địa phương nhỏ khó khăn hơn, quy mô của dự án nhỏ hơn nên được hỗ trợ ít.

Tuy nhiên từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt. Từ tháng 7/2017 Việt Nam không còn được vay vốn WB theo điều kiện ODA, sau đó sẽ đến các đối tác phát triển khác,Việt Nam phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường.

Từ các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và đòi hỏi của tình hình mới, Chính phủ ban hành Nghị định để quy định rõ về cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương. Theo Nghị định, vốn vay lại phải được trả nợ đầy đủ, đúng hạn từ nguồn ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 52 nâng cao tính chủ động của địa phương trong quản lý thực hiện dự án và góp phần quản lý hiệu quả nợ của địa phương. Nghị định là công cụ để phân bổ nguồn lực, ưu tiên sử dụng nguồn ODA cho các địa phương khó khăn; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý nợ của địa phương để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam không còn tiếp cận được với nguồn vốn vay ODA và chuyển sang vay theo điều kiện thị trường. 

Khi UBND cấp tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, phải xác định được cơ chế tài chính, tỷ lệ cho vay lại, hiệu quả dự án, khả năng trả nợ. Việc cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với UBND cấp tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với khả năng tài chính của ngân sách địa phương.

Đặc biệt, địa phương phải không có nợ vay lại của Chính phủ quá hạn trên 180 ngày. Tổng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Đối với cho vay lại chính quyền địa phương, tỷ lệ cho vay lại các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được xác định theo điều kiện của nguồn vốn (vay ODA và vay ưu đãi). Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA với nhóm các địa phương khó khăn nhất (được ngân sách Trung ương trợ cấp trên 70%) và có huyện thuộc danh mục Nghị quyết 30a của Chính phủ là 10% vốn vay ODA; và địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70% là 20% vốn vay ODA.

Tỷ lệ cho vay lại với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50% là 30% vốn vay ODA; với các tỉnh có điều tiết về trung ương là 50%, tỷ lệ cho thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vay lại là 80%.

Đối với các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), tỷ lệ cho vay lại thống nhất là 70%.

Nghị định có hiệu lực từ 15/6/2017.

Kế hoạch vay trả nợ 2017 dựa trên đánh giá kết quả huy động vốn vay đến 31/12/2016 dự kiến nợ công đến 31/12/2017 ước tính nợ công bằng 63,7% GDP và nợ của Chính phủ là 32,6%, nợ Chính phủ bảo lãnh là 17,3%, nợ địa phương là 18%. Dự báo là nợ công sẽ đạt đỉnh ở năm 2017-2018, từ 2018 nợ công sẽ giảm đi.

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến