Máy bay Boeing 737 Max 8 hạ cánh tại sân bay Reagan ở Washington D.C., Mỹ, ngày 13/3/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Ngày 19/3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Elaine Chao đã chỉ thị một văn phòng giám sát nội bộ kiểm tra quy trình cấp phép sử dụng cho dòng máy bay 737 MAX của hãng Boeing, sau khi hai tai nạn hàng không xảy ra với loại máy bay này trong vòng sáu tháng qua đã khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Trong thông báo gửi tới Tổng thanh tra Giao thông vận tải Calvin Scovel, Bộ trưởng Chao cho biết Boeing đã yêu cầu một "chứng chỉ sửa đổi" đối với dòng máy bay 737 MAX 8 hồi tháng 1/2012 và đã nhận được chứng chỉ này vào tháng 3/2017.
Bà hy vọng việc thanh tra này sẽ làm rõ lịch sử chi tiết và khách quan dựa trên sự thật về quy trình cấp phép sử dụng dòng máy bay trên.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng Hạ viện Mỹ Peter DeFazio cùng nghị sỹ đảng Dân chủ Rick Larsen, một thành viên của Ủy ban này, cũng yêu cầu Tổng thanh tra Giao thông vận tải điều tra các quyết định then chốt mà Cơ quan Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) đã đưa ra trong việc cấp phép sử dụng máy bay Boeing 737 MAX.
Trong bức thư của mình, hai nghị sỹ đảng Dân chủ này nhấn mạnh những vụ tai nạn máy bay gần đây liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX cho thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận chủ động hơn đối với vấn đề an toàn bay.
Họ yêu cầu xem xét cách thức mà mỗi tính năng mới của Boeing 737 MAX, bao gồm việc lắp đặt các động cơ trên máy bay, việc điều chỉnh tương ứng tính năng tự động, cảm biến góc tấn, cũng như phần mềm mới "được thử nghiệm, chứng nhận và lắp đặt vào máy bay."
Các nghị sỹ này cũng muốn nhận được một bản tường trình về các biện pháp khắc phục sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Lion Air tại Indonesia hồi tháng 10 năm ngoái và liệu các phi công có được đào tạo bài bản trước khi máy bay 737 MAX được đưa vào sử dụng cho dịch vụ vận chuyển hành khách.
Văn phòng Tổng thanh tra Giao thông phản hồi rằng sẽ mở cuộc điều tra đối với việc cấp phép sử dụng máy bay 737 MAX song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trước đó, FAA khẳng định tuân thủ mọi quy trình tiêu chuẩn khi cấp phép sử dụng với dòng máy bay 737 MAX của hãng Boeing. Theo đó, hãng này nhấn mạnh các quy trình được thiết kế chặt chẽ và đều đã cho ra những mẫu thiết kế máy bay an toàn.
Việc vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng hôm 10/3 vừa qua có nhiều điểm tương đồng với vụ tai nạn của hãng Lion Air hồi tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng đã làm dấy lên không ít hoài nghi về quy trình cấp phép sử dụng cho dòng máy bay 737 MAX.
Loại máy bay này chỉ vừa mới được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017 để cạnh tranh với dòng máy bay A320 Neo của Airbus.
Từ năm 2009, do áp lực cắt giảm ngân sách hoạt động, FAA đã ủy quyền một số giai đoạn trong quy trình cấp phép cho các nhà sản xuất máy bay hoặc cho các chuyên viên bên ngoài.
FAA bảo vệ cơ chế ủy quyền này và khẳng định rằng 737 MAX đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá kỹ càng cùng với sự tham vấn các cơ quan hàng không khác trước khi được cấp phép.
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy