Dòng sự kiện:
Mỹ và Trung Quốc cần làm gì để tháo gỡ nút thắt thương chiến
12/06/2019 09:04:39
Trung Quốc và Mỹ quá phụ thuộc vào nhau khiến cho hai bên khó làm căng mãi cuộc chiến thương mại. Thay vào đó, Mỹ-Trung cần lùi lại và tìm kiếm thỏa thuận theo từng lĩnh vực cụ thể.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 24/5. Ảnh: THX/TTXVN

Theo một bài bình luận trên tờ Financial Times, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là biểu tượng của cuộc chia rẽ địa chính trị lớn nhất thế giới từ năm 1945. Chúng ta cần coi đây là “cuộc xung đột hợp lý trong trật tự thương mại” – cụm từ lần đầu được nhà khoa học chính trị Mỹ Edward Luttwak dùng để mô tả thách thức thương mại mà Nhật Bản và Đức gây ra với Mỹ cách đây hơn 30 năm.

Ngày nay, mọi việc tồi tệ hơn vì Trung Quốc là kẻ thù, là đối thủ cạnh tranh của nhau nhưng lại thiếu cam kết hiệu quả từng ràng buộc hai bên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kêu gọi thiết lập lại quan hệ Mỹ-Trung. Lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn “kỷ nguyên mới”. Tuy nhiên, mối quan hệ xấu đi nghiêm trọng khiến người ta đặt ra câu hỏi liệu có thể hàn gắn và hàn gắn thế nào.

Dù khó khăn nhưng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn nhen lên tia hy vọng về quản lý mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai, dù còn chia rẽ nhưng có thể chấp nhận được về mặt chính trị.

Hiện nay, bối cảnh không được khả quan cho lắm. Mỹ không tự giúp mình trong thiết lập lại mối quan hệ khi không coi trọng đồng minh, đe dọa và sử dụng thuế quan chống lại họ, có thái độ nước đôi với cam kết ở châu Á.

Về phía Trung Quốc, nước này tỏ ra khôn ngoan hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí nâng cấp quan hệ Nga-Trung để đối đầu với kẻ thù chung. Trong chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình, tập đoàn công nghệ Huawei đã ký kết phát triển hệ thống viễn thông 5G cho Nga, khuyến khích thương mại song phương bằng đồng nhân dân tệ và rúp. Động thái tránh xa đồng đô la Mỹ sẽ không khiến đồng tiền này mất ngôi vương nhưng Mỹ cần dè chừng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Moskva ngày 5/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhà báo George Magnut của tờ Financial Times, những nỗ lực của Mỹ trong quản lý mối quan hệ với Trung Quốc rõ ràng không có tác dụng. Trung Quốc không nhún nhường trước những đòi hỏi của Mỹ mà nước này coi là vi phạm chủ quyền chính sách công nghiệp và kinh tế.

Những nhà đàm phán thương mại của Mỹ, trong đó phần lớn là các luật sư kinh nghiệm, muốn đạt được các thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý công khai. Trong khi đó, các nhà đàm phán cấp cao Trung Quốc là những quan chức lại thích những chỉ thị, quy định cấp thấp, mục tiêu và hạn ngạch – những điều mà phía Mỹ không tin tưởng.

Để giải quyết xung đột lớn như vấn đề Trung Quốc trợ cấp cho các doanh nghiệp, Mỹ có thể đưa ra Tổ chức Thương mại Thế giới, cho dù Tổng thống Trump không thích cách này.

Sau đó, đàm phán song phương có thể tập trung vào từng ngành, lĩnh vực cụ thể như bảo vệ sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, tỷ lệ sở hữu nước ngoài… Cách tiếp cận theo từng lĩnh vực cụ thể có thể mất thời gian nhưng lại hiệu quả hơn. Theo tờ Financial Times, hai chính phủ cần nỗ lực khai thác cách tiếp cận từ dưới lên này.

Nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc vẫn có mối quan hệ tốt với quan chức chính quyền cấp tỉnh và địa phương. Họ cần đàm phán về quy định và biện pháp trừng phạt dựa trên nguyên tắc có đi có lại trong từng ngành và lĩnh vực. Nhờ đó, có thể tránh được một cuộc chiến tranh thuế quan lớn, gây thiệt hại nhiều hơn và các công ty tư nhân có thể đứng ngoài cuộc tranh cãi.

Không may là trong những tuần gần đây, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã leo thang nguy hiểm khi các công ty tư nhân bị coi là mục tiêu. Mỹ muốn ngừng bán vi mạch và các linh kiện khác cho Huawei cũng như các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc định cho các công ty và cá nhân làm tổn hại tới lợi ích Trung Quốc vào danh sách đen.

Huawei trở thành tâm điểm cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Thương mại công nghệ khác với buôn bán thép hay đậu tương. Đó là một lĩnh vực mang tính toàn cầu thực sự và có thể gây ra mối đe dọa hệ thống với nền kinh tế thế giới, y như những gì ngành ngân hàng và tài chính đã gây tổn hại cho kinh tế thế giới năm 2008.

Các tập đoàn hàng đầu, không chỉ ở Mỹ và Trung Quốc, mà còn ở Anh, châu Âu và toàn châu Á, sẽ bị lôi vào cuộc chiến tranh này, buộc phải chọn theo luật của Trung Quốc hoặc Mỹ, nếu không sẽ có nguy cơ bị bên kia trừng phạt.

Hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại leo thang sẽ khiến ngành công nghệ bị chia cắt, chuỗi cung bị đứt gãy, gây ra tác động tiêu cực cho tương lai. Kết quả kinh tế tồi tệ sẽ khiến triển vọng tái đàm phán thêm mờ nhạt và gia tăng rủi ro đứt gãy trong các lĩnh vực khác mà hai nước cạnh tranh.

Hiện chưa quá muộn để Mỹ và Trung Quốc giảm tốc thương chiến. Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu mong manh và nước này muốn chiến tranh thương mại chấm dứt. Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu và công nghệ nước ngoài.

Về phía Mỹ, người tiêu dùng và thị trường chứng khoán đang mất dần niềm tin. Nền kinh tế Mỹ có thể dễ dàng bị dính đòn khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang tăng tốc.

Hai nước hiện có cơ sở hợp lý về mặt kinh tế để nối lại đàm phán, cho dù hai bên còn nhiều điều không thể hòa giải.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều trân trọng thành tựu công nghệ và kinh tế đã đạt được và cả hai đang đứng trước rủi ro làm tổn hại những thành tựu này. Họ cần tiếp tục đối thoại để xây dựng lại niềm tin. Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng này ở Osaka, Nhật Bản là một nơi tốt để khởi động.

Theo báo Tin tức

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến