Dòng sự kiện:
Năm 2018: Nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm nhẹ
23/12/2018 16:02:08
Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban), nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) năm khoảng 163 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu năm 2018 là 2,4%, giảm nhẹ so với mức 2,5% của năm 2017.

Tuy nhiên, theo Ủy ban, nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu nợ, các khoản uỷ thác, phải thu khó đòi. Nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chậm cải thiện.

Ảnh minh hoạ

Số dư dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống TCTD tăng mạnh. Năm 2018, dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2%, cao hơn đáng kể so với con số 65,4% của năm 2017.

Hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, chủ yếu nhờ nguồn dự phòng rủi ro tín dụng và thu nợ từ khách hàng. Giá trị nợ xấu xử lý trong năm 2018 tăng gần 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại là bằng các hình thức xử lý khác.

Năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC. Một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC như Vietcombank, ACB, Techcombank, MB. Một số ngân hàng như Agribank, BIDV... chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Mặc khác, VAMC đã hoàn thành kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường trong năm 2018. Đây là những yếu tố tích cực để hệ thống TCTD tiếp tục xử lý nợ xấu trong năm 2019.

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã chia sẻ với báo chí, Nghị quyết 42 đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường. Doanh số mua nợ thị trường của VAMC đến 15/8 đạt 3.523 tỷ đồng, thu hồi được 3.408 tỷ đồng, tương ứng với 98% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường. Đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC cũng được mở rộng, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

“Nghị quyết 42 đã tạo động lực giúp các Tổ chức tín dụng và VAMC mua bán nợ theo cơ chế thị trường, đơn cử đã giúp VAMC đứng ra bán đấu giá một số khoản nợ rất lớn phức tạp và đạt được kết quả tốt. Chứng tỏ Nghị quyết 42 đã và đang đi vào cuộc sống”, ông Nguyễn Tiến Đông khẳng định.

Mặc dù đạt kết quả khích lệ nhưng các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu vẫn còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, quá trình triển khai đã phát sinh những vướng mắc như thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương, khó thu giữ với những TSBĐ chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế…

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý TSBĐ chưa nhiều.

“Việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự hiện cũng là vấn đề phụ thuộc nhiều quan điểm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng do chưa có văn bản pháp luật nào giải thích cụ thể thế nào là yếu tố ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”, ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến