Dòng sự kiện:
Năm 2022, ngân hàng đã 'bơm' 800.000 tỷ đồng vào bất động sản
01/02/2023 09:12:23
Tính đến 31/12/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản xấp xỉ 800.000 tỷ đồng.

Đây là số liệu được Bộ Xây dựng dẫn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại báo cáo về thị trường bất động sản quý IV và năm 2022 vừa được công bố. Vào cuối năm 2021, con số này xấp xỉ là 700.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.

Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.

Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.

Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng.

 

Về nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn.

Việc tháo gỡ phải đúng pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những dự án đầy đủ pháp lý, sản phẩm có giá cả hợp lý, đáp ứng được đa số yêu cầu của người dân (Ảnh: Hoàng Hà)

Liên quan đến dòng vốn cho bất động sản, thông tin tại Toạ đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, sau Tết nguyên đán, Chính phủ sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản bàn về giải pháp tháo gỡ. Thống đốc NHNN cũng triệu tập các ngân hàng họp bàn và nghiên cứu, đánh giá thực chất thị trường cho vay bất động sản để đề ra giải pháp trước khi gặp gỡ các doanh nghiệp sau Tết.

Trước đó, tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin, đầu năm 2023, NHNN sẽ có buổi hội thảo về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... nhằm giúp phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để "đóng băng". Đây cũng là cơ hội để trao đổi, chia sẻ giữa các ngân hàng thương mại, hiệp hội và doanh nghiệp.

Tác giả: Hồng Khanh

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến