Nâng cao khả năng đấu tranh chống buôn lậu cho lực lượng Hải quan
15/09/2014 16:50:43
So với quy định trước đây, quyền hạn và phạm vi hoạt động trong công tác kiểm soát, chống buôn lậu hải quan quy định tại Luật Hải quan 2014 được nâng lên đáng kể.
Luật Hải quan 2014 đã được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015.

Nâng khả năng tác chiến của hải quan

Lần đầu tiên, thẩm quyền sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan và quyền trang bị, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ của cơ quan Hải quan được quy định cụ thể trong Luật Hải quan 2014 (Khoản 2, Khoản 5, Điều 89 và Điều 92).

Luật quy định cụ thể việc cơ quan hải quan có quyền sử dụng cờ hiệu, đèn hiệu, pháo hiệu, còi, loa; sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (khoản 5 Điều 89).

Quy định (Điều 90), cơ quan hải quan có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đây là biện pháp, trường hợp chưa được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính…, nhằm bảo đảm phù hợp với đặc thù của hoạt động chống buôn lậu, phạm vi địa bàn ở vùng cửa khẩu giáp biên giới, sân bay, trên biển…

Trước đây, các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ mà lực lượng kiểm soát hải quan được phép sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật. Những quy định mới nêu trên của Luật Hải quan 2014 sẽ là tiền đề, cơ sở pháp lý để lực lượng kiểm soát Hải quan thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tăng thực quyền cho hải quan

Luật Hải quan 2014 quy định cụ thể việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại.

Đặc biệt, Luật Hải quan 2014 dành riêng Chương V, quy định về công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chuẩn hóa lại tên gọi của cảng biển, cảng thủy nội địa cho phù hợp với pháp luật có liên quan (Bộ luật Hàng hải, Luật Giao thông đường thủy).

Bổ sung các địa điểm là địa bàn hoạt động hải quan, gồm: Khu vực, địa điểm khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; khu vực lưu giữ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan.

Ngoài việc kế thừa các quy định tại Luật Hải quan 2001 và 2005, Luật Hải quan 2014 còn bổ sung một số điểm mới rất quan trọng.

Điển hình, thẩm quyền của cơ quan hải quan trong công tác phòng, chống buôn lậu được mở rộng và tăng cường đảm bảo tương ứng với nhiệm vụ và trách nhiệm.

Thứ nhất, mở rộng quyền truy đuổi của cơ quan hải quan ra ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.

Tại Điều 88 Luật Hải quan đã bổ sung các quy định, khi có căn cứ xác định hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan có quyền tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật biển Việt Nam (Khoản 1, Điều 88).

Thứ hai, bổ sung thêm thẩm quyền tạm dừng phương tiện vận tải cho cơ quan hải quan. Trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chi cục trưởng chi cục hải quan, đội trưởng đội kiểm soát hải quan, đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu, hải đội trưởng hải đội kiểm soát trên biển có thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.

Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (Khoản 1, Điều 90).

Theo mof.gov.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến