Mới đây, Bộ Y tế có phúc đáp về dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch của Bộ VH,TT&DL, trong đó đề nghị bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan việc phòng chống Covid-19. Theo đó, ngành y tế không chấp nhận kết quả test nhanh đối với khách quốc tế, quy định họ không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên, khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, kèm chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 (ít nhất 14 ngày, không quá 6 tháng) hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.
Bộ Y tế còn quy định du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Trường hợp khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh. Kết quả từ phương pháp test nhanh kháng nguyên được công nhận.
Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Quốc gia.
Chia sẻ về quan điểm này, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia cho biết: "Sau phúc đáp của Bộ Y tế về dự thảo Phương án mở cửa hoạt động du lịch của Bộ VH,TT&DL, tôi cảm thấy bàng hoàng, tưởng mọi chuyện đã xong, hóa ra vẫn chưa. Với các điều kiện đề xuất như vậy thì kế hoạch mở cửa sẽ bị bỏ ngang. Nếu làm chặt quá, chúng ta sẽ không có khách quốc tế".
Ông Lương Hoài Nam cho biết thêm: "Tính đến hết tháng một, sau gần ba tháng triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, nước ta đón gần 9.000 lượt, trung bình mỗi tháng đón khoảng 3.000 khách. Chúng ta phải thú thực với nhau là chương trình thí điểm không thành công. Vì điều kiện quá khó, khó đối với hàng không, doanh nghiệp du lịch và cả du khách, khó với tất cả mọi người. Nên mở cửa chính thức và mở một cách tự tin. Một khi khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam thì đối xử với họ như khách nội địa vì cũng là người đi du lịch như nhau".
Bên cạnh đó, ông Nam cũng nêu quan điểm, cần bắt buộc khôi phục chính sách miễn thị thực nhằm thực hiện chủ trương thích ứng an toàn với Covid-19 và mở cửa du lịch từ 15/3: "Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Sau dịch, cá nhân tôi cho rằng như thế là chưa đủ và nên mở rộng thêm cho các quốc gia thì mới thu hút du khách đến Việt Nam".
Chia sẻ với Người Đưa Tin, Bà Lê Ngọc Lan - Giám đốc Công ty Lana Việt Nam Tour cho hay: "Chúng ta cần có những quy định hài hoà, có những chính sách khích lệ để khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn. Theo tôi, với đề xuất của Bộ Y tế là khi nhập cảnh Việt Nam bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh, và du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc là làm khó du khách khi đến Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới họ đã mở cửa hoàn toàn với khách du lịch, thì chúng ta hãy thử một lần mạnh dạn xem sao. Công ty chúng tôi thời gian qua có nhận được sự liên lạc của một số liên lạc của khách ở một số nước như: Nga, Pháp, Hà Lan... Họ đều bày tỏ sự phấn khích khi biết thông tin ngày 15/3 này Việt Nam sẽ mở hoàn toàn du lịch. Theo tôi, chúng ta cứ làm, cứ tự tin đón khách bởi rất nhiều khách muốn quay trở lại Việt Nam trong thời gian tới".
Theo bà Lan, chúng ta nên thông tin phổ biến và rộng rãi thủ tục, quy định du khách quốc tế đến Việt Nam cũng như đẩy mạnh thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh bằng kênh online. Giá sản phẩm du lịch đang tăng mạnh do chi phí vé máy bay và chi phí phòng, chống dịch Covid-19 như một du khách quốc tế vào Việt Nam phải test PCR có thể lên đến 3 lần gồm: đến-ở-đi, gây mất tiền bạc, thời gian, cơ sở vật chất... nên cần có cơ chế chính sách linh hoạt và đặc thù phục vụ mở cửa du lịch quốc tế.
Các chuyên gia đều cho rằng, quy định dành cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam cần phải linh hoạt.
Ông Lương Duy Doanh, Trưởng Ban Truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, Giám đốc Công ty FiveStar Travel cho rằng: "Khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam vì phong cảnh, môi trường du lịch của chúng ta. Đa phần đã đến Việt Nam rồi, họ vẫn muốn cùng gia đình, bạn bè đến lần nữa. Do đó, chúng ta phải có những quy định linh hoạt để đón tiếp khách quốc tế, không nên có những quy định "khô cứng" quá.
Dù dịch bệnh căng thẳng, nhân lực của du lịch Việt Nam thời gian qua vẫn tranh thủ thời gian tổ chức các chương trình khảo sát, bàn thảo tìm hướng đi mới, xây dựng sản phẩm mới nhằm phục vụ du khách, nhất là khách nội địa ngay khi dịch được khống chế. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú và dịch vụ liên quan đã sẵn sàng tư vấn, phục vụ khách. Các đơn vị đã liên kết để tung ra các gói sản phẩm vào 30/4, phục vụ dịp hè 2022. Các sản phẩm tập trung cho du lịch xanh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cố gắng tạo trải nghiệm tốt nhất cho du khách khi khám phá Việt Nam. Lượng khách tư vấn, tham gia chương trình đang nhiều lên, đặc biệt là vào dịp 30/4, 1/5. Tôi hy vọng sau ngày 15/3, thì ngành du lịch Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nữa".
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy