Nếu Việt Nam vào TTP: Lương sẽ tăng nhưng…
15/05/2015 20:00:56
ANTT.VN – Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội để mở ra cánh cửa tới các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản… cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề lao động sẽ lại là thách thức lớn lao.

TTP sẽ mở ra một thị trường rộng lớn

Diễn biến mới nhất của hiệp định TPP

Chỉ 2 ngày sau khi dự luật TPA (trao quyền đàm phán nhanh cho tổng thống) thất bại trong cuộc bỏ phiếu thông qua ở thượng viện với tỉ lệ 52 – 45, thì mới đây, theo thông báo chính thức, thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật trên. Trong thời gian tới, dự luật sẽ tiếp tục được xem xét bỏ phiếu tại Hạ Viện, nơi Đảng Trà (Tea Party) nắm giữ ưu thế có quan điểm đối lập với tổng thống Obama về hiệp định TPP.

Về cơ bản, nếu tổng thống Obama có quyền đàm phán nhanh trong tay sẽ giúp ông đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Thỏa thuận TPP khi được ký kết đàm phán xong sẽ được trình lên quốc hội Mỹ. Khi đó, quốc hội Mỹ sẽ chỉ được phép thông qua hoặc  bác bỏ mà không có quyền thay đổi các điều khoản đã được đàm phán, qua đó rút ngắn thời gian ký kết hiệp định.

Hoàn thành đàm phán hiệp định TPP trong năm nay là mong mỏi của tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, phải chăng TPP chỉ có những mảng màu tích cực?

Người lao động sẽ được hưởng lợi…

Trong bài phát biểu của mình trước các công nhân tại trụ sở của tập đoàn Nike ở Beaverton, Oregon ,Hoa Kỳ vào ngày 8/5/2015, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh đến việc thay đổi chính sách và cải thiện tiêu chuẩn của người lao động thuộc các quốc gia tham gia hiệp định TPP.

Theo Tổng thống Mỹ Obana, Việt Nam và các quốc gia thành viên phải thiết lập được mức lương cơ bản

Theo đó, ông nhấn mạnh đến việc Việt Nam và các quốc gia thành viên phải thiết lập được mức lương cơ bản, thông qua luật về điều kiện an toàn lao động và bảo vệ công nhân. Động thái này được cho là nhằm thuyết phục công đoàn Mỹ ủng hộ TPP trước nỗi lo việc thông qua hiệp định sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của công nhân Hoa Kỳ do các quốc gia như Việt Nam sở hữu lợi thế chi phí nhân công rẻ.

Nếu đứng trên quan điểm của người lao động, đây là một thông tin không thể tốt hơn khi những điều luật được trong hiệp định sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, nếu đứng trên khía cạnh người chủ sử dụng lao động, chi phí nhân công cho hoạt động sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ tăng lên.

…nhưng thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội

Vào TPP là cơ hội để mở ra cánh cửa tới các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản… cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề lao động là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lâu nay dựa trên hai yếu tố: (1) nguồn khoáng sản thiên nhiên dồi dào và (2) chi phí lao động nhân công giá rẻ. Với việc gia nhập vào TPP, nhiều khả năng yếu tố thứ (2) không còn là lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác.   

Thống kê mức lương cơ bản một số quốc gia tính đến 31/3/2015:

Quốc gia

Mức lương cơ bản theo tháng (USD)

Lào

41.97

Campuchia

125.53

Việt Nam

98.36 – 141.83

Indonesia

83.82 – 205.74

Trung Quốc

135.35 – 296.8

Đài Loan

883.61

Nhật Bản

1360.03 – 1825.42

New Zealand

2059.31 – 2574.14

Australia

3113.02

Trong bối cảnh gia tăng chi phí nhân công là điều chắc chắn, việc gia tăng năng suất lao động, cải tiến khoa học công nghệ là yêu cầu cấp thiết đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp từ trước tới nay chỉ chú trọng khâu gia công, nhập khẩu hầu hết nguyên liệu đầu vào. Con số nhập siêu gần 3 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2015 là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Năng suất lao động chính là một vấn đề không nhỏ đối với Việt Nam 

Bên cạnh đó, yếu tố năng suất lao động không phải là thứ có thể thay đổi sớm trong ngắn hạn mà đòi hỏi sự phối hợp của nhiều tổ chức và có chiến lược rõ ràng. Trong một đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á với mức điểm là 3,79 (tính trên thang điểm 10).

TPP là một sân chơi công bằng với tất cả quốc gia. Với lợi thế sở hữu khoa học công nghệ tiên tiến cùng tích lũy tư bản trong nhiều năm, doanh nghiệp thuộc các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản sẽ là những đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường . Các doanh nghiệp Việt Nam nếu không có sự thay đổi trong cách quản trị điều hành, công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, cải tiến chất lượng sản phẩm nhiều khả năng sẽ gặp thất bại ngay trên sân nhà.

Kioz

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến