Dòng sự kiện:
Nga gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo đến hết tháng 6/2024
31/12/2023 09:46:42
Chính phủ Nga cho biết quyết định được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định ở thị trường nội địa, song sẽ không ảnh hưởng đến các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu, Nam Ossetia và Abkhazia.

Chuyển ngũ cốc lên tàu tại cảng Rostov-on-Don, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nga ngày 30/12 đã thông báo gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo và lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến ngày 30/6/2024.

Chính phủ Nga cho biết quyết định được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định ở thị trường nội địa.

Lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), các khu vực Nam Ossetia và Abkhazia.

Ngoài ra, gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Nga.

Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ ngày 29/7 năm nay với thời hạn ban đầu đến 31/12.

Quyết định của Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu loại nông sản này để bình ổn giá trong nước.

Nga vốn nổi tiếng với lúa mỳ nhưng gạo vẫn được trồng, chủ yếu ở các vùng phía Tây Nam nước này, gần biên giới với Azerbaijan, Gruzia và Kazakhstan.

Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền Đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng 73% sản lượng gạo của Nga được trồng ở vùng Krasnodar.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của chính phủ Nga nhằm bảo vệ thị trường nội địa sau khi tổ hợp thủy điện Fedorovsky ở vùng Krasnodar gặp sự cố vào tháng 4/2022.

Chính sự cố này đã khiến sản lượng gạo của Nga năm 2022 giảm xuống còn 797,6 nghìn tấn so với mức 1,076 triệu tấn được ghi nhận của năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Nga ghi nhận sản lượng gạo dưới 1 triệu tấn trong những năm gần đây.

Hiện tượng El Nino cùng với xung đột Ukraine khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị ảnh hưởng, giá lương thực tăng mạnh.

Điều này buộc các quốc gia phải đưa ra giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và quốc tế, tránh nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu./.

Tác giả: Thanh Bình

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến