Dòng sự kiện:
Nga mơ viễn cảnh có 'Gaddafi mới' ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ có đang vô tình 'ngáng đường'?
26/12/2019 19:49:38
Nga muốn làm trung gian cho hai phe xung đột Libya để có được ảnh hưởng đối với các vấn đề chính sách quân sự, chính trị và cuối cùng là năng lượng. Nhưng động thái tăng cường ảnh hưởng của Ankara có thể gây khó khă

Quân đội của GNA vẫn đang chống trả tốt trước các cuộc tấn công của LNA.

Tính toán của Nga ở Libya

Cuộc tấn công mới của lực lượng Chính phủ Syria ở Idlib và sự hiện diện ngày càng tăng của lính đánh thuê Nga từ công ty Wagner trên chiến tuyến của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã đặt ra những dấu hỏi về ý định thực sự của Moscow trên cả hai mặt trận.

Trong khi đó, ở phía bên kia chiến tuyến, Thổ Nhĩ Kỳ đang được coi là quốc gia ủng hộ quan trọng nhất của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận ở Tripoli.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11/12, bên cạnh các cuộc thảo luận về đường ống dẫn khí TurkStream, chủ đề xung đột ở Syria và Libya cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Mới đây, đã có thông báo nói rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định về việc gửi quân tới Libya vào ngày 7/1 sắp tới. Động thái này có thể là thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến Điện Kremlin nhằm nhấn mạnh rằng họ quyết tâm ủng hộ GNA. 

Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực sự đổ bộ vào Libya, lực lượng LNA của tướng Khalifa Haftar sẽ có thể phải đón nhận những thất bại nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc làm leo thang xung đột Libya đến đỉnh điểm - mà theo quan điểm ban đầu của Thổ Nhĩ Kỳ - nó vốn cần được giải quyết bằng phương diện ngoại giao.

Theo báo cáo của hãng tin AP, chính phủ GNA ở Tripoli xác định có từ 600 đến 800 lính đánh thuê Nga trong hàng ngũ dân quân LNA của tướng Haftar. Thông tin này cũng được Tổng thống Erdogan nêu ra trong một tuyên bố gần đây, đồng thời để ngỏ khả năng gửi quân đến tiếp ứng cho GNA.

Theo một quan chức từ bộ Ngoại giao Mỹ, các đơn vị lính đánh thuê Nga đã không thể thay đổi cán cân quân sự có lợi cho tướng Haftar. "Nó khiến cho cuộc xung đột trở nên khốc liệt hơn. Nhưng đồng thời chúng ta không thấy rằng Haftar đang có được vị trí tốt", quan chức Mỹ nói. Về phần mình, Nga chưa lên tiếng gì về thông tin có lính đánh thuê ở Libya.

Trong bài viết trên tờ TRT World, cây bút Ali Ozkok cho rằng, những động thái tăng cường ảnh hưởng của Ankara có thể gây khó khăn cho Nga để đạt được ba mục tiêu quan trọng ở Libya.

Thứ nhất là trao cho tướng Haftar ưu thế quân sự. Thứ hai là buộc Chính phủ GNA nhượng bộ với tướng Haftar và công nhận tính hợp pháp của LNA. Cuối cùng là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya hợp tác với các công ty năng lượng Nga sau khi xung đột kết thúc.

Nga muốn làm trung gian cho hai phe xung đột Libya để có được ảnh hưởng đối với các vấn đề chính sách quân sự, chính trị và cuối cùng là năng lượng.

Nga có thể hành động một mình ở Libya và Syria?

Điện Kremlin nhận thức được rằng mặc dù có ưu thế hơn nhưng nước này không thể chấm dứt cuộc xung đột Syria mà không có Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng tương tự ở Libya.

"Tất nhiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể điều chỉnh các bước đi của họ ở Libya và Syria thông qua một số thỏa hiệp”, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng đối ngoại Nga (RIAS) Kirill Semenov nói với TRT World.

Nga vẫn đang có các biện pháp dự phòng ở Libya.

Ông cho rằng, mặc dù có xu hướng ủng hộ tướng Haftar, Moscow đang có biện pháp dự phòng cho vụ đánh cược của mình bằng cách duy trì mối quan hệ với cả Tripoli.

Omer Ozkizilcik, chuyên gia về an ninh Thổ Nhĩ Kỳ từ Viện nghiên cứu SETA cho rằng gần như không có mối liên hệ nào quá lớn giữa tình hình gần đây ở Libya và Syria.

"Về cơ bản, Nga muốn sử dụng Libya để đòn bẩy mạnh hơn ở Syria. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Libya phức tạp hơn nhiều so với Idlib”, chuyên gia này nhận định

Đặt cược vào tướng Haftar?

Theo TRT World, bất lợi lớn nhất của Nga ở Libya là - không giống như ở Syria – nước này đang ủng hộ LNA, vốn không được quốc tế công nhận và tướng Haftar thậm chí không có thẩm quyền đối với các mỏ dầu nằm trong khu vực kiểm soát.

Quyền này chỉ được trao cho công ty dầu khí quốc doanh là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC), có trụ sở chính tại Tripoli.

Nhưng với kỳ vọng rằng, trong dài hạn, Libya cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như Muammar Gaddafi nên Moscow đã quyết định đặt sự ủng hộ nghiêng về tướng Haftar. Dường như, các nhà hoạch định chính sách ở Moscow tin rằng một nhà lãnh đạo như Haftar sẽ là người có vị thế lớn sau khi cuộc xung đột Libya kết thúc.

Với các cuộc đàm phán hòa bình do Đức dẫn đầu sẽ diễn ra tại Berlin vào cuối năm nay, Nga đang cố gắng củng cố các đòn bẩy của mình thông qua cuộc tấn công mạnh mẽ của tướng Haftar vào Tripoli.

Nga muốn có tiếng nói ở Libya

Nga hy vọng sẽ giành được một vị trí quyết định tại bàn đàm phán ở Berlin, nơi tương lai của quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ sẽ được xác định.

Vấn đề chính của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ là đứng ở hai phe đối lập. Tướng Haftar cũng được ủng hộ bởi Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - tất cả đều là các đối thủ trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột biên giới trên biển với Hy Lạp lại liên quan đến chính quyền GNA ở Tripoli.

Câu hỏi đặt ra không phải là liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có đạt được sự thấu hiểu ngoại giao hay không, mà là sự thấu hiểu đó có thể ảnh hưởng đến động lực trong cuộc xung đột Libya đến mức nào, trong khi UAE và Ai Cập vẫn đang bám sát theo họ.

Chuyên gia Semenov chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang theo đuổi các mục tiêu địa chính trị giống nhau - chỉ là đi theo những cách khác nhau. Điều này có thể tiếp tục là cơ sở để hai bên có hành động ít nhất là phối hợp trong tương lai ở Libya.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến