Dòng sự kiện:
Nga thắng thế ở Kursk và Donbass, Ukraine nhận tin dữ trên nhiều mặt trận
17/11/2024 16:35:39
Thời gian gần đây, Ukraine liên tiếp nhận tin xấu tại nhiều mặt trận trong khi Nga đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ ở Kursk và Donbass.

Nga đi nước cờ hiểm ở Kursk và Donbass

Nga đã giành được lợi thế tại các điểm then chốt dọc theo tiền tuyến ở miền Đông và Đông Nam Ukraine, đồng thời tung ra làn sóng tấn công liên tiếp bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các thành phố của Ukraine.

 Ukraine nhận tin dữ trên nhiều mặt trận. Ảnh: Getty

Cùng lúc đó, Moscow chuẩn bị phát động một cuộc phản công ở khu vực Kursk, phía Tây Nam nước Nga, nơi Kiev đạt được bước tiến về mặt quân sự duy nhất trong năm nay. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Nga đã triển khai gần 50.000 binh sỹ tới Kursk, trong số đó có cả binh sỹ của quân đội Triều Tiên.

CNN dẫn nhận định của nhà phân tích George Barros thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cho rằng: “Nga hiện đang nắm quyền chủ động trên khắp tiền tuyến, họ đã tận dụng thành công những lợi thế chiến thuật và đang củng cố những lợi thế đó”. Theo nhà phân tích này, lợi thế của Nga trên chiến trường khiến Ukraine khó có khả năng ứng phó với một cuộc phản công tiềm năng.

“Nga vẫn ở thế chủ động và họ đang buộc quân đội Ukraine phải đáp trả. Đó không phải là điều tốt đối với Ukraine. Khi ở thế phòng thủ liên tục, Kiev có thể bị dồn vào chân tường và có rất ít lựa chọn, hoặc nếu có cũng là các lựa chọn tồi tệ”, ông Barros lưu ý.

Tình hình đặc biệt tồi tệ đối với Ukraine, đặc biệt là ở các khu vực xung quanh Kupiansk. Thành phố quan trọng nằm phía đông bắc này một lần nữa có nguy cơ rơi vào tay Nga sau khi Ukraine tái chiếm vào tháng 9/2022 sau hơn 6 tháng ròng giao tranh.

Kupiansk nằm trên giao lộ của hai tuyến đường tiếp tế chính và sông Oskil, tạo thành một điểm phòng thủ quan trọng trong khu vực. Việc chiếm được thành phố này sẽ giúp Nga dễ dàng tiến sâu hơn vào khu vực Kharkov. Điều đó sẽ gây thêm áp lực lên các lực lượng của đối phương tại Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, nơi Nga tấn công máy bay không người lái và tên lửa gần như hàng ngày.

Hãng thông tấn Tass của Nga ngày 15/11 đưa tin, quân đội nước này đã tiến vào vùng ngoại ô của thành phố, mặc dù các quan chức Ukraine khẳng định Kupiansk vẫn nằm trong quyền kiểm soát hoàn toàn của các lực lượng Kiev.

Ngoài củng cố tuyến phòng thủ tại Kupiansk, Ukraine cũng đang phải nỗ lực ngăn chặn Nga tiến xa hơn về phía nam, xung quanh thành phố Kurakhove, nơi Moscow đã bao vây từ ba phía trong nhiều tháng. Đầu tuần này, Tổng thống Zelensky cho biết, Kurakhove là "khu vực khó khăn nhất" trên tiền tuyến.

Theo nhà phân tích Barros, nếu Nga giành quyền kiểm soát thành phố Kurakhove trong những ngày hoặc tuần tới, thì đây có thể là tổn thất lớn về mặt chiến lược đối với Kiev, và điều này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phòng thủ của họ tại khu vực rộng lớn hơn.

Ukraine đã chiến đấu dữ dội tại Kurakhove trong những tháng gần đây, mặc dù họ bị mất một số vùng lãnh thổ. Kurakhove nằm cách Pokrovsk khoảng 40 về phía nam – nơi đang là trung tâm hậu cần quan trọng đã nằm trong tầm ngắm của Nga suốt nhiều tháng. Đến cuối mùa hè, khi Pokrovsk đối mặt với nguy cơ thất thủ, quân đội Ukraine đã xoay xở để đẩy lùi các bước tiến của Nga, buộc Moscow phải vẽ lại kế hoạch của mình.

Theo ông Barros, tình hình tại mặt trận Pokrovsk cho thấy Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu ưu tiên của nước này. "Nga đang nỗ lực để chiếm Pokrovsk vào mùa thu năm nay, nhưng họ đã từ bỏ mục tiêu này và chuyển cuộc tấn công theo một hướng khác. Một trong những lý do khiến Moscow chưa chiếm được Pokrovsk là họ chưa thể chọc thủng hệ thống phòng thủ khá kiên cố của Ukraine”.

Kể từ khi kiểm soát thành phố Avdiivka vào đầu năm 2024, Nga chỉ tiến được khoảng 30 đến 40 km sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine. Đó là một bước tiến rất nhỏ trong khi tổn thất mà quân đội Nga phải chịu tương đối lớn.

Theo đánh giá của ISW, trong năm qua, Moscow đã mất khoảng 5 sư đoàn cơ giới, trong đó có hàng trăm xe tăng và xe chở quân có vũ trang, tại khu vực Pokrovsk.

"Nga đã mất 5 sư đoàn xe tăng và các phương tiện chở quân khác trong suốt một năm chỉ để tiến được khoảng 40 km. Nếu so sánh điều này với tất cả các cuộc tấn công cơ giới lớn khác của thế kỷ 21 và thậm chí cả những trận chiến lớn của Thế chiến thứ hai thì đây thực sự là tổn thất đáng kể”, ông Barros lưu ý.

Kiev có cơ hội tận dụng điểm yếu của Nga?

Kể từ khi xung đột nổ ra đến nay, Ukraine luôn ở thế yếu về nhân lực và vũ khí dù được viện trợ liên tục từ các đối tác phương Tây. Nga vẫn có ưu thế hơn với số lượng lớn binh sỹ, đạn dược và vũ khí.

Chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều khả năng là làm suy yếu Ukraine dần dần bằng cách bào mòn sức chiến đấu của đối phương trên nhiều mặt trận, đồng thời làm suy yếu các đối tác của nước này. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, Nga có rất ít cơ hội để đạt được mục tiêu đó, xét đến những tổn thất to lớn mà Moscow đang phải gánh chịu để đạt được bước tiến mới.

Theo giới phân tích, áp lực mà cuộc xung đột này gây ra cho nền kinh tế Nga ngày càng gia tăng. Moscow đã tăng mạnh chi tiêu quân sự trong hai năm qua và nền kinh tế của nước này hiện đang có dấu hiệu đi xuống: lạm phát đang ở mức cao, còn các công ty phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Để kiểm soát tình hình, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 21% vào tháng 10/2024, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Dù Nga có nguồn nhân lực lớn hơn Ukraine nhưng nước này gặp không ít khó khăn trong việc tuyển quân. Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, việc Triều Tiên triển khai binh sỹ tới Nga sẽ giúp tăng cường năng lực chiến đấu của Moscow trong một khoảng thời gian nhất định, song tổn thất về nhân lực và vật lực vẫn rất khó khắc phục.

“Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, tình trạng thiếu hụt binh sỹ và mất các phương tiện mà Nga cần cho xung đột hiện đại sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với Điện Kremlin nếu nhịp độ giao tranh ác liệt như hiện tại tiếp tục kéo dài trong năm 2025”, ông Barros nhấn mạnh.

Liệu Ukraine có thể tận dụng những điểm yếu trên của Nga hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào thiện chí của các đối tác trong việc tiếp tục hỗ trợ nước này. Nhưng việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang đặt ra câu hỏi lớn về điều đó. Tuần qua, Tổng thống Zelensky cho biết rằng, xung đột sẽ kết thúc "nhanh hơn" khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống.

“Nếu liên minh phương Tây trong đó có cả Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong khoảng 12 đến 16 hoặc 18 tháng tới, Kiev sẽ có cơ hội thực sự phá vỡ các nguồn lực của Nga trong cuộc chiến này”, ông Barros lưu ý.

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến