Tổ hợp tên lửa 9M729 phóng thử hồi năm 2015. Ảnh: Vadim Grishankin.
"Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã nghe những cáo buộc rằng tổ hợp tên lửa 9M729 có tầm bắn vượt quá quy định trong Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Nếu phía Mỹ quả quyết rằng Nga đã vi phạm hiệp ước, họ phải phát hiện được các dấu hiệu bằng vệ tinh và chia sẻ dữ liệu với Moskva, nhằm giúp chúng tôi hiểu Washington đang nói về điều gì", RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua phát biểu.
Ông Lavrov cho biết Nga từng đề nghị phía Mỹ cung cấp thông tin về những điều làm họ lo ngại, cũng như cơ sở để nước này cáo buộc Nga vi phạm INF. Đại sứ quán Mỹ tại Mosvka sau đó gửi một "danh sách chi tiết các câu hỏi" về Hiệp ước INF tới Bộ Ngoại giao Nga, chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi INF.
Tổng thống Trump hôm 20/10 tuyên bố sẽ rút khỏi INF, cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn tới 5.000 km. Ngoại trưởng Nga tiết lộ các cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Quốc phòng, đang chuẩn bị các phương án đối phó với việc Mỹ rút khỏi INF.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hồi tuần trước cho biết Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước này do nó không có tác dụng kiểm soát vũ khí với các quốc gia như Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Washington tin rằng những nước này có thể đang phát triển và sở hữu các loại vũ khí vi phạm quy định của INF.
Việc Mỹ rút khỏi INF đã gây ra nhiều lo ngại từ các đồng minh chủ chốt. Pháp khẳng định hiệp ước này có vai trò then chốt trong duy trì ổn định ở châu Âu, trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gọi đây là "một cột trụ quan trọng của kiến trúc an ninh châu Âu".
INF được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.
Mỹ và Nga từng nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản của INF. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hồi tháng 6 tuyên bố việc Mỹ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ triển khai các bệ phóng tên lửa mặt đất tại châu Âu là hoạt động vi phạm trực tiếp INF. Tháng 8/2018, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ quan ngại về việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, cụ thể là Romania và sau đó là Ba Lan.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy