Dòng sự kiện:
Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng để thúc đẩy KT-XH
15/03/2016 17:50:46
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa của cả nước, nên việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu rất lớn; phải kiên trì, kiên nhẫn, tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị.

Tin liên quan

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh yêu cầu này tại  Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng của UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 15/3.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các quận, huyện của Thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc của Hà Nội trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; các cơ quan tố tụng của Thành phố đã xét xử nghiêm các vụ vi phạm về tham nhũng. Từ kinh nghiệm và cách làm của Hà Nội có thể rút ra được nhiều bài học tương đối tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công việc này phải được thực hiện kiên trì, kiên định, liên tục.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn khóa, vì vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị phải kiên quyết thực hiện.

Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, nên việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu rất lớn; phải kiên trì, kiên nhẫn, tiến hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố thể chế hóa các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, mà trước hết là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phòng, chống tham nhũng, rà soát các quy định để không tạo kẽ hở cho tham nhũng.

Đi liền với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, trong đội ngũ cán bộ công chức làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, đề cao trách nhiệm cấp ủy Đảng và người đứng đầu, gắn liền với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với công tác phòng, chống tham nhũng.

Hà Nội cần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng ngay từ những tháng đầu nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân, nghiên cứu mô hình trung tâm hành chính công phù hợp với địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; cán bộ nào không đáp ứng được công việc, quan liêu, cửa quyền, vòi vĩnh cần được thay thế.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Hà Nội cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử; các cơ quan tố tụng của Thành phố cần tăng cường làm tốt công tác phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, có biện pháp tự phòng, chống tham nhũng trong chính nội bộ cơ quan, phát huy vai trò của cơ quan dân cử trong phòng chống tham nhũng.

Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của TP. Hà Nội cho biết, đây là nhiệm vụ trọng tâm, được tập trung chỉ đạo thực hiện, đã có chuyển biến về nhận thức và hành động.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, một số giải pháp phòng ngừa hiệu quả thấp, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, thu hồi tài sản tham nhũng kết quả chưa cao.

Từ năm 2006 đến nay, Hà Nội đã triển khai 3.101 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 2.542 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 1.415 tỉ đồng, xử lý khác 1.127 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi và đưa vào quản lý 2.439 ha đất, kiến nghị hành chính 223 cá nhân, 272 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 38 vụ.

Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ năm 2006 đến nay đã giải quyết 23.860 vụ khiếu nại, tố cáo. Qua đó, phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi 359 tỉ đồng, 161.568 m2 đất, 40 sổ đỏ, xử lý trách nhiệm cá nhân 75 người, chuyển cơ quan điều tra 33 vụ.

Đến nay, TAND Thành phố đã xét xử sơ thẩm 238 vụ và 616 bị cáo.

Theo Chinhphu.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến