Dòng sự kiện:
Ngân hàng ACB muốn thoái sạch vốn tại Kem Thuỷ Tạ
19/03/2019 20:06:14
Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) sẽ bán toàn bộ 300.000 cổ phiếu, tương đương 10% vốn đang nắm giữ tại CTCP Thủy Tạ (mã: TTJ). Dự kiến ACB có thể thu về hơn 11,3 tỷ đồng từ đợt bán vốn này.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa đăng ký bán 300.000 cổ phiếu, tương đương 10% vốn của Công ty cổ phần Thuỷ Tạ để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến bằng phương thức thoả thuận từ ngày 20/3 đến 18/4.

Ước tính tại giá mở cửa phiên giao dịch sáng 19/3 là 37.700 đồng, khối cổ phiếu ACB rao bán trị giá hơn 11 tỷ đồng. Ngân hàng này sẽ không còn sở hữu cổ phiếu và là cổ đông lớn của Kem Thuỷ Tạ nếu giao dịch thành công.

ACB có thể thu về hơn 11,3 tỷ đồng từ đợt bán vốn này. (Ảnh: Vneconomy)

Việc thoái vốn của ACB diễn ra sau khi cổ phiếu Kem Thuỷ Tạ liên tục leo thang trong hai tháng đầu năm, từ vùng giá 21.000 đồng lên mức hiện tại. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp với bình quân 300 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. 

Mới đây, Công ty cổ phần Thuỷ Tạ bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng gần 1,3 tỷ đồng, bao gồm tiền thuê đất hơn 1,13 tỷ đồng và tiền chậm nộp 143 triệu đồng.

Nguyên nhân dẫn tới quyết định trên của Cục Thuế là do Công ty cổ phần Thuỷ Tạ nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế.

Ngoài ra, Cục thuế Hà Nội cũng quyết định phạt, truy thu đối với Công ty cổ phần số tiền hơn 72 triệu đồng do công ty đã có hành vi vi phạm hành chính về thuế.

Công ty cổ phần Thuỷ Tạ - đơn vị được biết đến với thương hiệu Kem Thủy Tạ nổi tiếng, tiền thân là nhà hàng Thủy Tạ, được thành lập từ tháng 5/1958, là nhà hàng duy nhất nằm bên bờ Hồ Gươm, trung tâm Thủ đô. Năm 1999, Thủy Tạ đưa vào hoạt động 1 nhà máy kem công nghiệp với công suất 1 triệu lít/năm dựa trên công nghệ của Ý. Thời gian đầu sản phẩm kem có 14 loại và đến nay đã nâng con số này lên 50.

Thủy Tạ hiện sở hữu 3 nhà hàng, đều đặt trên phố Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, là nhà hàng Đình Lang, cung cấp món ăn dân tộc 3 miền, nhà hàng Mamarosa chuyên ẩm thực Âu - Ý và nhà hàng Long Vân phục vụ đồ ăn nhanh, cà phê giải khát, các bữa ăn trưa ăn tối cho du khách.

Sở hữu loạt đất tại vị trí đắc địa, nhưng tình hình kinh doanh của công ty của công ty ngày càng sa sút.

Doanh thu của Kem Thủy Tạ trong những năm gần đây chỉ quanh ngưỡng 50 tỷ đồng mỗi năm và gần như không có sự tăng trưởng. Trong khi đó, những đối thủ của Thủy Tạ đã nhanh chóng đạt doanh số nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Euromonitor, ngành kem và món tráng miệng đông lạnh đang có sự dịch chuyển với phân khúc cao cấp đang trở thành xu hướng chính, đặc biệt khi có sự cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài như Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs và New Zealand Natural.

Tuy nhiên, đây lại không phải là thế mạnh của Thủy Tạ. Sức cạnh tranh của thương hiệu này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Thị trường cũng thu hẹp lại chỉ còn khu vực Hà Nội. Theo Euromonitor, thị phần của Thủy Tạ đã giảm xuống dưới 5%, chỉ tương đương với thị phần của Kem Tràng Tiền.

Đến cuối năm 2017, tổng tài sản của công ty ở mức gần 66 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 71% với gần 47 tỷ đồng, tài sản dài hạn chỉ hơn 19 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến