Dòng sự kiện:
Ngân hàng Aozora Nhật Bản dự chi hơn 3.200 tỷ đồng mua 15% vốn OCB
09/01/2020 12:26:44
Thương vụ này dự kiến có giá trị khoảng 15 tỷ yen Nhật (139 triệu USD), tương đương hơn 3.200 tỷ đồng, được thực hiện sớm trước tháng 4/2020 và tuỳ thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lí tại Việt Nam.

Theo đưa tin từ Nikkei Asia, Ngân hàng Aozora của Nhật Bản sẽ mua 15% cổ phần của một ngân hàng Việt Nam vào đầu tháng 4, đánh dấu thỏa thuận đầu tiên ở nước ngoài của nhà băng kể từ khi thay đổi thương hiệu vào năm 2001.

Ngân hàng Aozora có tiền thân là Ngân hàng Tín dụng Nippon (Nippon Credit Bank) được quốc hữu hoá vào năm 1998. Các tổ chức tài chính trong nước mua vào năm 2000 và đổi tên thành Ngân hàng Aozora một năm sau đó. 

Aozora cho biết sẽ mua cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này. Thỏa thuận này dự kiến trị giá khoảng 15 tỷ yen Nhật (139 triệu USD), tương đương hơn 3.200 tỷ đồng. 

Aozora là một trong số các ngân hàng Nhật Bản đang tìm kiếm nơi đầu tư ở thị trường Đông Nam Á, nơi có sự tăng trưởng tương đối cao trong khi tại Nhật phải đối mặt với tình trạng dân số già và lãi suất âm.

OCB có trụ sở giao dịch tại TP HCM, cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với khoảng 130 chi nhánh trên khắp Việt Nam. 

Ngay cả khi là một ngân hàng hạng hai, OCB cũng luôn tự hào khi là một trong những ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất trong ngành, nhờ vào sự phát triển ở khu vực nông thôn, thúc đẩy nhu cầu vốn của các công ty xây dựng và bất động sản, theo Nikkei.

Sau thương vụ lịch sử này, Aozora sẽ hỗ trợ OCB trong quản lý rủi ro và hệ thống tuân thủ dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. 

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng số và ngân hàng đầu tư, cũng như cung cấp hỗ trợ cho các công ty Nhật Bản đang tìm cách mở rộng vào Việt Nam.

Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết ngay sau khi được cơ quan chức năng của Việt Nam phê duyệt. Aozora cũng lên kế hoạch đưa 2 giám đốc vào Hội đồng Quản trị của OCB. 

9 tháng năm 2019, lợi nhuận trước thuế của OCB bất ngờ chỉ tăng vỏn vẹn 5% so với cùng kỳ năm trước đó. Tăng trưởng lợi nhuận thuần cũng chỉ 8%, tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 17%. CIR gia tăng, trong khi tăng trưởng thu nhập lãi thuần giảm xuống mức 20%, bằng chưa đầy một nửa năm 2018.

Cùng với đó, như đã đề cập, nợ xấu của OCB cũng tăng trong 9 tháng năm 2019, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ.

Những dẫn chứng trên phản ánh rằng sự chững lại trong tăng trưởng lợi nhuận của OCB xuất phát từ sự suy giảm tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh lõi của ngân hàng.

Tuy nhiên, rất bất ngờ là theo thông tin từ OCB, lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 đạt tới hơn 3.200 tỷ đồng, nghĩa là tăng tới trên 45% so với năm 2018.

Như vậy, đã có sự thay đổi ngoạn mục trong kết quả kinh doanh quý IV/2019 của OCB. Tính toán cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý IV/2019 của OCB đã tăng gấp 3,5 lần con số cùng kỳ năm 2018.

Sự tăng trưởng ngoạn mục này liệu có bền vững hay không còn phải chờ xem xét chi tiết trong báo cáo tài chính quý IV/2019 - hiện chưa đến ngày công bố. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên đó xuất hiện ngay trước thềm OCB bán vốn cho đối tác ngoại.

Trước đó, theo thông tin từ OCB, ngân hàng đã triển khai chào bán riêng lẻ 118 triệu cổ phần như ĐHĐCĐ đã phê duyệt tại ngày 27/4/2019 cho các nhà đầu tư; trong đó có 1 nhà đầu tư là ngân hàng Aozora thực hiện đăng ký mua số lượng là 86,8 triệu cổ phần. Nếu chào bán thành công, tỷ lệ sở hữu của Aozora tại OCB là 11% vốn điều lệ. 

Trước nữa, hồi cuối năm 2017, OCB đã chia tay đối tác chiến lược BNP Paribas (Pháp) khi nhà đầu tư ngoại này thoái hết hơn 74,705 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 18,68% vốn. 

BNP Paribas trở thành cổ đông chiến lược của OCB từ ngày 22/2/2008 với sở hữu ban đầu là 10% vốn. Trong 3 năm sau đó, BNP Paribas nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến