Dòng sự kiện:
Ngân hàng, bất động sản sốt sắng tìm cách tăng vốn
20/05/2021 09:18:21
Mùa Đại hội cổ đông 2021 cho thấy, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đang là những đối tượng sốt sắng nhất trong câu chuyện tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán nên việc tăng vốn điều lệ có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Ngược lại, diễn biến của thị trường cũng sẽ mang tính quyết định đến sự thành bại trong kế hoạch tăng vốn, nhất là việc chuyển từ huy động vốn bằng trái phiếu sang cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo nhận định của SSI Research, do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu của hai ngành nêu trên từ nay cho đến cuối năm 2021.

Nhiều ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, TPBank,…đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn trong các năm 2017-2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV được tăng vốn trong năm 2019.

Kể từ sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ 2019.

Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.

Dự kiến có khoảng 16 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể trong năm 2021. Cụ thể, vốn điều lệ tại nhóm các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82,7 nghìn tỷ đồng (31%), trong đó 61,8 nghìn tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18,3 nghìn tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ và hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2,6 nghìn tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP.

Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng trong năm 2021. (Nguồn SSI Rearch)

Từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó, NHNN khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV và Vietinbank.


Tuy nhiên, các ngân hàng như Techcombank, VPBank và Sacombank kể từ năm 2018 đã không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu. Trong khi đó, tại hầu hết các ngân hàng TMCP, tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn so với quá khứ do NHNN không cho phép trả cổ tức tiền mặt trong 2020 và 2021.

Một số ngân hàng tư nhân như HDBank, MSB, LienVietPostBank,… đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020 và có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay.

Tuy nhiên, phần lớn việc phát hành mới cổ phiếu đã nằm trong kế hoạch trước đây. Cụ thể như VIB và VPBank đã đặt kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ trong năm 2018-2019. Tương tự, Vietcombank và BIDV lên kế hoạch bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sau đợt tăng vốn năm 2019. LienVietPostBank tổ chức phát hành riêng lẻ trong năm 2020. Tất cả các kế hoạch này đều được tái khởi động lại trong năm nay.

Kế hoạch tăng vốn bằng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS. (Nguồn SSI Rearch)

Với ngành bất động sản, trong năm 2020, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được các doanh nghiệp bất động sản ưa thích để tăng vốn trước khi Nghị định 81 được ban hành.

Theo thống kê của SSI Research, giá trị phát hành TPDN năm 2020 của các công ty BĐS là 191 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm. Từ đầu 2021 đến nay, giá trị phát hành mới của các công ty BĐS đạt 53 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, thị trường chứng khoán thuận lợi hơn đối với Top 20 cổ phiếu BĐS dân cư lớn nhất. Có 7 công ty lên kế hoạch tăng vốn năm 2021, với số tiền dự kiến ban đầu là 18,7 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và 434 tỷ đồng thông qua cổ phiếu ESOP. Trong khi đó, phần còn lại là kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua cổ tức cổ phiếu.

So với năm ngoái khi mức tăng vốn chưa đáng kể, đạt khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng (chủ yếu thông qua cổ tức cổ phiếu/cổ phiếu thưởng), việc tăng vốn trong năm 2021 sẽ hỗ trợ đáng kể cho khả năng tăng trưởng trong trung hạn của các công ty. Hiện tại, với tâm lý thị trường tích cực, đây có thể là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp tăng vốn cổ phần.

Tác giả: Hiền Anh

Theo: Infonet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến