Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, trong đó ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 29.498 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên mức lợi nhuận trước thuế lại giảm 12,5% còn 13.201 tỷ đồng, đứng thứ ba trong nhóm ngân hàng Big4, sau Vietcombank, BIDV.
Trong nửa đầu năm 2023, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này giảm 8% xuống còn 2.457 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối đã đem về cho Agribank 1.270 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng nhích nhẹ thêm 12,2% lên hơn 50 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của Agribank (Nguồn: BCTC).
Ngoài ra, chi phí hoạt động được cải thiện, giảm tới 8,5% còn 13.218 tỷ đồng, chủ yếu ở khoản mục chi phí cho nhân viên, từ gần 9.500 tỷ đồng vào năm ngoái xuống còn khoảng 7.600 tỷ đồng năm nay.
Chi phí dự phòng rủi ro 6 tháng đầu năm của ngân hàng tăng thêm 18,4% khiến lợi nhuận trước thuế giảm ở mức hai con số. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ cũng giảm 12,5 chỉ còn gần 10.573 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 1,4%, khối lượng tài sản chỉ sau duy nhất BIDV. Cho vay khách hàng của nhà băng này tăng trưởng 1,2%, đạt 1,4 triệu tỷ đồng, cũng đứng thứ hai toàn hệ thống. Số dư tiền gửi khách hàng tại Agribank cuối tháng 6 đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng nợ, nợ xấu của ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng 17,1%, đạt hơn 30.500 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm Big4 và chỉ xếp sau VPBank. Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) có mức tăng nhanh nhất 65%.
Tuy nhiên, nếu xét theo tỉ lệ, Agribank vẫn thuộc nhóm ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất với 2,09%, trong khi đầu năm là 1,81%.
Agribank là một trong các Ngân hàng thương mại Nhà nước, có mạng lưới lớn nhất với gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp cả nước với tỉ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn lớn, chiếm khoảng 50-70% tổng dư nợ của Agribank.
Đáng chú ý, đây cũng là ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản thường dẫn đầu hệ thống, trong khi quy mô vốn điều lệ lại ngày càng thiếu cân đối. Những năm gần đây quy mô vốn điều lệ của Agribank thậm chí đã tụt lại phía sau so với nhiều ngân hàng khác, kể cả các ngân hàng cổ phần tư nhân. Đến cuối tháng 6, vốn điều lệ của Agribank ở mức 34.469 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm Big4.
Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng.
Ngày 24/6 vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tương ứng với số lợi nhuận còn lại Agribank thực nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2023, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Trong đó 6.753 tỷ đồng được thực hiện từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt; phần còn lại 10.347 tỷ đồng được bố trí từ NSNN và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Như vậy, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng. Việc tăng vốn giúp Agribank đạt hệ số an toàn vốn (CAR) 8% theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đồng thời gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa.
Tác giả: Phạm Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy