Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự sôi động như hiện nay, việc phát hành cổ phiếu mới sẽ khó thu hút cổ đông, nhà đầu tư.
Thêm nữa, ngân hàng còn phải cân nhắc tác động của việc phát hành cổ phiếu mới lên tỷ lệ sở hữu hiện tại của các cổ đông và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý. Vì thế, việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức - phương pháp tăng vốn không cần huy động thêm từ bên ngoài, được nhiều ngân hàng lựa chọn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... và đặc biệt là cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi rủi ro nợ xấu có xu hướng tăng nhanh.
Vì thế, vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho ngân hàng đối phó với biến động thị trường, cũng như hỗ trợ vốn cho khách hàng.
Sức ép tăng vốn chưa vơi
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tăng vốn điều lệ là cách hữu hiệu nhất giúp ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo an toàn hoạt động và là cơ sở để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (Điều 138), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Luật cũng nêu rõ, Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
Dự thảo được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%. Tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Dự thảo quy định trao quyền cho Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ trong trường hợp cần thiết và chưa đưa ra yêu cầu cụ thể đối với tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ.
Tỷ lệ này nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế, linh hoạt trong từng thời kỳ và do NHNN quyết định với mức dao động từ 0-2,5% (tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm bớt khi hoạt động ổn định). Trường hợp ngân ngân hàng thương mại không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.
Ngoài đảm bảo quy định về tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, khi việc sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn được siết chặt theo lộ trình tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, có thể thấy, tăng vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của các ngân hàng, vừa giúp đáp ứng các yêu cầu pháp lý và quy định của cơ quan quản lý, vừa mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính và củng cố khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sau 10 năm, việc vốn điều lệ tăng nhanh dẫn đến hệ số CAR của nhóm ngân hàng tư nhân cao hơn đáng kể so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Cụ thể, nếu như năm 2014, hệ số CAR của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là 9,4% và nhóm ngân hàng tư nhân là 12,07%, thì đến tháng 6/2024, tỷ lệ này lần lượt là 9,99% và 11,86% (áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN).
Trong khi đó, với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, việc chia cổ tức diễn ra chậm hơn khi phải chờ phê duyệt của cơ quan cấp trên. Trong nửa đầu năm 2024, Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm này được phê duyệt việc tăng vốn.
Tại Vietcombank (mã VCB), hiện vốn điều lệ của ngân hàng này ở mức 55.891 tỷ đồng. Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại đây là 20.695 tỷ đồng, thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5%, qua đó tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng. Đề xuất này đã được Quốc hội phê duyệt.
Với VietinBank (mã CTG), ngân hàng này mong muốn sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết, Ngân hàng kỳ vọng sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng quyết định cuối cùng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngân hàng đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 là 11.678 tỷ đồng để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Còn tại BIDV, đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của ngân hàng này đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2022 và 2023, trong đó điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 từ 23% xuống 21% vốn điều lệ và dự kiến dùng 12.347 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nếu hoàn thành cả kế hoạch chào bán 455 triệu cổ phiếu được đại hội đồng cổ đông năm 2023 thông qua trước đó, vốn điều lệ BIDV sẽ tăng lên mức 87.524 tỷ đồng.