Ngân hàng chắc bụng hơn, lãi suất có cơ ổn
30/03/2017 15:16:10
Trước biến động nhanh của lãi suất tiền gửi VND ở kênh chứng chỉ tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước vừa lên tiếng: đây là diễn biến cân đối vốn cục bộ và bình thường.

Tin liên quan

Nguồn tiền gửi có kỳ hạn dài đã dày lên trông thấy trong hệ thống ngân hàng, thay cho sự lỏng lẻo trước đây.

Thông điệp đó dường như “có gang, có thép”, đơn giản vì không ai hơn nhà điều hành nắm được chi tiết và cụ thể cân đối vốn của toàn hệ thống và từng nhà băng ở thời điểm này.

“Nghe nhạc hiệu đoán chương trình”

Trên thị trường, có những biểu hiện cơ bản để đoán lường trạng thái vốn của hệ thống, một phần biểu hiện của nhu cầu tăng lãi suất lên hay không, mang tính thời điểm.

Trước hết, đã ba tuần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước gần như không còn phát hành tín phiếu để hút bớt tiền dư thừa về. Ngược lại, họ duy trì trạng thái bơm ròng hỗ trợ nguồn cho hệ thống.

Trong cả ba tuần đó, lượng điều tiết vốn hỗ trợ rất đều. Quan sát hàng ngày thì thấy, hễ một lượng đáo hạn trả về Ngân hàng Nhà nước thì lại có lượng gần tương ứng bơm ra. Tổng quy mức độ được giữ rất đều quanh 25.000 tỷ số dư hỗ trợ. Tức, cân đối cung - cầu vốn của hệ thống xét riêng ở kênh này chỉ cần chừng đó là đủ.

Thứ hai, sắc diện thanh khoản hệ thống thường phản ánh qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lãi suất VND được căn chỉnh sát sao, đến mức gần như không có biến động lớn, rất cân bằng.

Trước giai đoạn này, lãi suất VND liên ngân hàng từng rơi rất sâu, và lập tức gây sức ép lên tỷ giá USD/VND. Hơn ai hết, Ngân hàng Nhà nước thấm thía chuyện thừa tiền đồng gây sức ép lên tỷ giá như thế nào những năm qua. Việc nhanh chóng vào cuộc cân bằng như trên thể hiện rõ. Suốt gần hai tháng qua, lãi suất VND trên liên ngân hàng khá ổn định, như lãi suất qua đêm chỉ xoay quanh trục 5%/năm với biên độ nhỏ. Mức này như một điểm cân bằng với tỷ giá mà nhà điều hành lựa chọn, và thị trường hài lòng.

Nhưng, thứ ba, chi phí giá vốn đã có hơi hướng đắt lên. Ngày 20/3 vừa qua, Kho bạc Nhà nước chào thầu 2.000 tỷ trái phiếu kỳ hạn 5 năm - kỳ hạn khoái khẩu của các thành viên dự thầu thời gian qua và hiện nay, nhưng chỉ huy động được 150 tỷ. Tỷ lệ thành công rất thấp này được nhìn nhận ở lãi suất thấp (5,03%/năm), thị trường dường như đang đòi hỏi, hoặc kỳ vọng mức cao hơn.

Liên quan đến lãi suất ở đây, mức 5,03%/năm ở kỳ hạn huy động chủ yếu cho thấy một thực tế lớn: lãi suất đã giảm rất mạnh, Chính phủ đã bớt đi chi phí đi vay đáng kể trong khoảng một năm trở lại đây, vì hơn một năm trước ngân sách phải trả cho việc vay ở kỳ hạn này tới 6,4-6,5%/năm.

Hai kênh đều ổn

Trong kết quả hạ giá vốn cho Chính phủ nói trên, có phần quan trọng vai trò điều tiết nguồn của Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành chính sách tiền tệ một mặt căn chỉnh cân đối nguồn trong hệ thống, mặt khác gián tiếp hỗ trợ chính sách tài khóa đi vay như trên. Điều này thể hiện rõ trong thế “cài răng lược” bơm hút tiền trong hơn một năm qua.

Như trên, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm có biểu hiện không còn thỏa mãn số đông thành viên tham gia dự thầu. Cùng lúc, trên thị trường huy động dân cư và doanh nghiệp, lãi suất chứng chỉ tiền gửi xuất hiện loại 8-9,2%/năm, dù chỉ mới mức độ cục bộ.

Vậy sao Ngân hàng Nhà nước xem đó là bình thường?

Nói thông điệp của nhà điều hành là “có gang, có thép”, vì nhiều dữ liệu cơ bản đang ủng hộ cho thông điệp đó.

“Đói, đầu gối phải bò”. Lãi suất “bò” lên ở một số kế hoạch có kiểm soát về khối lượng và mức độ chi phí, qua các đợt chứng chỉ tiền gửi. Nhưng cả ở hai kênh mượn vốn của các ngân hàng hiện nay, truyền thống và chính yếu nhất, đều đang có chuyển biến tích cực.

Thứ nhất, ở kênh thị trường 1 (huy động từ dân cư và doanh nghiệp), chưa bao giờ trong hơn một thập kỷ qua các ngân hàng “chắc bụng” được như hiện nay.

Suốt từ những năm 2006-2007 kéo dài đến 2011-2012, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng luôn ở tình trạng lỏng lẻo với chủ yếu là kỳ hạn ngắn; lượng tiền gửi kỳ hạn dài những giai đoạn này rất khó củng cố được tỷ trọng trên 10%. Mức độ lỏng lẻo đó càng gây nhiễu động đối với lãi suất, vốn nhảy cóc giữa các ngân hàng do cạnh tranh lãi suất và kể cả vượt trần lãi suất (như chuyện xe ngân hàng khác chờ trước cửa đón người dân rút tiền ở ngân hàng kia ra, qua ví dụ tại phiên xét xử đại án tại OceanBank vừa qua).

Nhưng đến nay, tình hình đã khác. Lượng tiền gửi cô đặc trong hệ thống ngân hàng đã dày lên rất nhiều, thuận lợi nhất trong nhiều năm qua. Dữ liệu từ đầu mối chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối 2015, tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên (nguồn trung và dài hạn) trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng từ hàng chục năm trước khó đạt 10% đã vọt lên 20,93%. Thuận lợi này tiếp tục gia tăng lên 23,41% vào cuối 2016.

Tiền gửi trung và dài hạn là vốn cô đặc cho các ngân hàng, có tính bền vững cao, giúp hệ thống củng cố thanh khoản và bớt đi nhiễu động đối với lãi suất. Giá trị này càng thể hiện khi nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là trung dài hạn.

Theo dữ liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến cuối năm 2016, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn tại Việt Nam ở mức cao, lên tới 55,6% tổng tín dụng. Mức độ này cho thấy áp lực lớn đối với hệ thống ngân hàng, phải gia tăng tranh thủ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, đáp ứng nhu cầu chủ yếu của các doanh nghiệp. Và như trên, khi gia tăng được tỷ trọng vốn cô đặc gửi trung dài hạn, rủi ro thanh khoản và một yếu tố tác động đến lãi suất cũng hạn chế đi (so với nhiều năm trước đây).

Thứ hai, vốn nội liên giao dịch giữa các ngân hàng, thể hiện trên thị trường liên ngân hàng, cũng phản ánh một phần trạng thái thanh khoản và áp lực đối với lãi suất. Tình hình hiện nay cũng đang dễ chịu.

Cụ thể, dữ liệu so sánh cho thấy, hoạt động vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng đang ở mức độ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cho thấy thanh khoản của các thành viên đã tự chủ động được tốt hơn, và một phần phản ánh huy động ở thị trường 1 cũng tốt hơn.

Trong cơ cấu nguồn vốn của toàn hệ thống, những năm trước, tỷ trọng phải vay mượn lẫn nhau, vay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, từng lên tới khoảng 16-17% mỗi loại, nhưng đến cuối 2016 chỉ còn khoảng 10-11% trong cơ cấu. Những tỷ lệ này giảm đi, mức độ chủ động về nguồn và chi phí huy động vốn của các ngân hàng thường sẽ tốt hơn.

Dĩ nhiên, ở khía cạnh và góc nhìn khác, nếu các kênh hoạt động trên có tỷ trọng cao cũng phản ánh môi trường/cơ hội kinh doanh giữa các ngân hàng có thể mở rộng hơn.

Áp lực vẫn còn

Dù có những chuyển động tích cực thuận lợi cho mục tiêu ổn định lãi suất, nhưng gốc rễ của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thực sự thay đổi. Đó là một hệ thống luôn có tải trọng lớn từ nhu cầu vốn của nền kinh tế, quy mô tín dụng lên tới 110-120% GDP, gấp đôi tới gấp ba so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Và như trên, nhu cầu và thực tế dư nợ tín dụng vẫn tập trung rất lớn vào trung dài hạn (55,6% tổng dư nợ đến cuối 2016), khiến áp lực đối với lãi suất luôn tiềm ẩn, bên cạnh đòi hỏi “nghệ thuật” trong tranh thủ vốn ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn rất lớn đó.

Diễn biến từ đầu tháng 3/2017 đến nay cũng cho thấy, “nghệ thuật” đó ở một số trường hợp từng bị lạm dụng quá mức và có phần thụ động, để khi giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% rút về 50% đã có phần gây xáo động ở lãi suất.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến