Dòng sự kiện:
Ngân hàng chuẩn bị thanh khoản cho cuối năm
20/09/2024 07:06:49
Không chỉ tăng lãi suất tiền gửi, các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao để chuẩn bị thanh khoản cho mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.

 

Trong tháng 7 và 8, ACB huy động tổng cộng 13.670 tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu

Đẩy mạnh hút vốn qua các công cụ lãi suất cao

Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất đã vượt 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, song để cạnh tranh thu hút tiền nhàn rỗi, tăng cường thanh khoản, các nhà băng tích cực phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới gần 8%/năm.

Chẳng hạn, HDBank đã phát hành lô trái phiếu ra công chúng có kỳ hạn 7 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,8%/năm, tổng khoảng 7,5%/năm.

Trước đó, VPBank phát hành lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2024, với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định là 5,5%/năm.

MB đầu tháng 8/2024 đã báo cáo phát hành riêng lẻ thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Đây là trái phiếu không tài sản đảm bảo và có lãi suất cố định ở mức 5,45%/năm. Trước đó, MB đã phát hành thành công 15.000 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản bảo đảm trong tháng 6 và tháng 7/2024.

Hay OCB huy động được 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu (không tài sản đảm bảo) cho nhà đầu tư. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 - 3 năm và lãi suất cố định ở mức 5,6%/năm.

ACB, sau khi huy động thành công hơn 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong tháng 7/2024, tiếp tục phát hành thêm 2 lô trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 với quy mô đạt 670 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, có kỳ hạn từ 3 - 5 năm, với lãi suất dao động trong khoảng 6 - 6,1%/năm cho năm đầu tiên, cao hơn so với mức lãi suất huy động tiền gửi mà nhà băng này đang áp dụng (cao nhất là khoảng 5 - 5,1%/năm). ACB mới đây đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2024, với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Thông tin từ BVBank cho biết, Ngân hàng chào bán 56 triệu trái phiếu (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu) ra công chúng, dự kiến phát hành làm 6 đợt, tiến hành từ tháng 8/2024 đến tháng 2/2026. Trong đó, đợt 1 là 15 triệu trái phiếu, với mục tiêu huy động 1.500 tỷ đồng. Lô trái phiếu đợt 1 được chào bán từ ngày 8/8 - 10/9/2024, có thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng, cuối kỳ của 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank liền trước kỳ điều chỉnh lãi suất hàng năm) cộng 2,5%/năm. Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân BVBank chia sẻ, lượng trái phiếu phát hành đợt này nhằm tăng cường nguồn vốn trung dài hạn, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng, thỏa mãn các điều kiện bổ sung vốn cấp 2 theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối cũng tăng cường phát hành trái phiếu. Cụ thể, hồi đầu tháng 8, BIDV đã phát hành thành công hai lô trái phiếu có kỳ hạn 6 năm và 8 năm, tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và có lãi suất cho kỳ đầu tiên lần lượt là 5,58%/năm và 5,88%/năm. Hay Agribank chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm, tổng gần 7%/năm.

Không chỉ tăng lượng phát hành trái phiếu, nhiều nhà băng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Đơn cử, Sacombank phát hành 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh, lãi suất 7,1%/năm (sau đó điều chỉnh theo thị trường) dành cho cá nhân, tổ chức. Chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (tức 84 tháng) không tự động tái tục. Vietinbank cũng ra mắt chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI, với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm. PVcomBank phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 2 năm 2024 cho cá nhân với mức lãi suất cố định tới 8%/năm. Mệnh giá chứng chỉ tiền gửi là 10 triệu đồng. Nhà băng này công bố chỉ phát hành chứng chỉ tiền gửi với hạn mức 5.000 tỷ đồng…

Lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 1%/năm đến cuối năm

Động thái trên, theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, là do cầu tín dụng đang dần trở lại và ngày càng rõ nét hơn về cuối năm, nên nhà băng tăng cường thanh khoản. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước mới đây, cập nhật số liệu mới nhất đến 7/9/2024, dư nợ tín dụng tăng 7,15% so với đầu năm (mục tiêu cả năm là 15%). Ba tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng, nhưng từ tháng 4 trở đi, tín dụng nhích dần lên và cải thiện khá tích cực từ tháng 6.

Ông Đinh Thế Hiển nhận định, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là phù hợp với các ngân hàng. Các nhà băng có thể hạn chế bớt rủi ro gia tăng về chi phí vốn đầu vào khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối khoảng 4,7%/năm, các ngân hàng cổ phần tư nhân khoảng 5 - 5,6%/năm.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia VIS Rating, từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước; cho vay trên tổng vốn huy động dưới 85%... Trong khi đó, huy động tiền gửi của các nhà băng chậm lại do mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp. Vì thế, nhiều ngân hàng buộc xoay qua kênh trái phiếu để bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn, dùng nguồn lực này tài trợ các dự án.

FiinRatings cũng dự báo khối ngân hàng tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm, nhằm có thêm vốn trung, dài hạn trên 3 năm khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc. Theo cập nhật của công ty xếp hạng tín nhiệm này, nhiều nhà băng đã đăng ký hoặc dự kiến phát hành trái phiếu từ nay tới cuối năm như Vietinbank (8.000 tỷ đồng), LPBank (khoảng 6.000 tỷ đồng), ACB (15.000 tỷ đồng), SHB (5.000 tỷ đồng) và BIDV (4.000 tỷ đồng).

Theo dự báo của VIS Rating, trong 1 - 3 năm tới, khối ngân hàng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, dù lãi suất huy động đã nhích lên so với đầu năm nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ở vùng thấp so với các năm trước nên các ngân hàng phải tăng lãi suất để “giữ chân” dòng tiền nhàn rỗi khi các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu hồi phục trở lại. Vả lại, nhu cầu vốn được dự báo cải thiện trong các tháng còn lại của năm nên ngân hàng tăng huy động để chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu tín dụng.

Ông Huân cho rằng, khả năng lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 1%/năm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ khó sớm tăng trở lại trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhất là đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp, bởi dù lãi suất cho vay thấp vẫn khó kích cầu tín dụng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96%/năm so cuối năm 2023. Còn lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ. Theo chuyên gia, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế, lãi suất cho vay được nhận định sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp, kể cả trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng nhẹ thời gian tới.

Tác giả: Thuỳ Vinh
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến