Dòng sự kiện:
Ngân hàng chuyển dịch cơ cấu nguồn thu
04/08/2018 07:07:22
Lợi nhuận ngành Ngân hàng đang ngày càng “chất” hơn khi trong cấu trúc nguồn thu các ngân hàng đang ngày càng đa dạng, giảm bớt phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng như trước kia, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.


Đa dạng hóa nguồn thu

Những ngày này các ngân hàng liên tục công báo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018. Điểm đáng chú ý là thu nhập từ kinh doanh dịch vụ của các ngân hàng đang có sự bứt phá khá tốt do phát triển mạnh, nâng cấp chất lượng dịch vụ nhằm gia tăng, đa dạng nguồn thu và giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Điều đó một mặt giúp các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu chứ không còn “độc canh” tín dụng như trước đây, mặt khác cũng phân tán rủi ro trong hoạt động.

Hay như tại SCB, thu từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 của ngân hàng này đạt 319 tỷ đồng với mức tăng 65% so với cùng kỳ năm 2017. Qua đó đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng lợi nhuận chung là 27% khi kết thúc quý II.

Để có được kết quả tích cực trên, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, cho biết nguồn thu từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ chủ yếu là thu từ bán chéo bảo hiểm nhân thọ, thẻ tín dụng, dịch vụ các ngân hàng điện tử, bán chéo các sản phẩm đầu tư cho các doanh nghiệp… Nhờ đó nguồn thu từ dịch vụ cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt, nhờ sự bắt nhịp nhanh chóng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh phát triển nhiều dịch vụ hiện đại, tiện ích nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và cũng là nguồn thu mới, nhiều tiềm năng cho ngân hàng. Nổi bật nhất gần đây là cuộc chạy đua phát triển QR Code.

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, thanh toán di động trên nền tảng QR Code là chức năng có rất nhiều ứng dụng: tạo mã QR chứa các thông tin thanh toán, gửi yêu cầu nhanh, giao dịch dễ dàng tại các điểm bán hàng...

QR Pay được VietinBank tung ra thị trường với mục tiêu mở đường cho việc ứng dụng nhiều công nghệ mới vào thương mại điện tử tại Việt Nam. Sản phẩm này cũng tăng tương tác giữa khách hàng và ứng dụng, tăng lòng trung thành của khách hàng đối với sản phẩm của VietinBank…

“Đồng hành” với QR Code là Samsung Pay. Hàng loạt ngân hàng thương mại, từ lớn đến nhỏ, triển khai ứng dụng này đã tạo nên trào lưu mới trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Maritime Bank là một trong những ngân hàng đầu tiên bắt tay với Samsung triển khai giải pháp thanh toán di động Samsung Pay.

Bà Đặng Tuyết Dung, Tổng giám đốc Ngân hàng bán lẻ Maritime Bank, cho biết: Phương thức thanh toán qua di động ngày càng phổ biến và đang trở thành xu hướng mới trong thói quen tiêu dùng của khách hàng. Việc đẩy mạnh, phát triển công nghệ trong lĩnh vực này là một trong những chiến lược quan trọng mà Maritime Bank hướng tới…

Tuy nhiên các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ trên vẫn khá mới nên chưa mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng. Nguồn thu dịch vụ nổi bật nhất của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay là từ các khoản phí độc quyền phân phối bảo hiểm, phát hành chứng chỉ quỹ...

Một ngân hàng có nguồn thu rất tích cực từ hợp tác bán bảo hiểm là VPBank. Phí thu được qua hợp tác bán bảo hiểm của ngân hàng này với AIA đạt 70% kế hoạch cả năm đề ra. OCB cũng là một trong những ngân hàng trong top tăng thu tốt từ hoạt động dịch vụ.

Chia sẻ với phóng viên, Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết: hoạt động đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng là tăng từ thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ và thu nhập từ hoạt động bảo hiểm với các chỉ số tăng trưởng rất khả quan.
Bán chéo sản phẩm đang chiếm ưu thế

Thực tế không phải đến bây giờ các sản phẩm bancassurance mới được khai thác mà nó đã được các ngân hàng nhắm đến từ nhiều năm nay.

Lý do trong thời gian trước đây mảng kinh doanh này không được khai thác hiệu quả được một CEO ngân hàng nhận định là do cách làm của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm chưa tốt, dẫn đến hai bên chưa thấy hết được tiềm năng doanh thu từ hoạt động này.

Mặt khác, một phần cũng do thu nhập của người dân đang ngày càng cải thiện nên nhu cầu về mua bảo hiểm cũng cao hơn trước.

Theo vị này, mặc dù các ngân hàng đang tận thu khá nhiều từ Bancassurance nhưng đây vẫn là mảng kinh doanh rất tiềm năng.

“Hiện tỷ lệ dân số mua bảo hiểm rất thấp phần nhiều người dân chưa có thói quen mua bảo hiểm. Tỷ lệ bảo hiểm bán qua NH còn thấp mới 3% trong khi khu vực tới 50%. Cho nên thị trường này vẫn đang mênh mông”, vị CEO trên chia sẻ lý do các ngân hàng đặt kỳ vọng thu từ dịch vụ bảo hiểm.

Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, cho biết trong các nguồn thu ngoài lãi, hoa hồng bảo hiểm giúp thu về khoảng 288 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Mảng bancassurance của Techcombank hiện chiếm 26% thị phần bán bảo hiểm qua ngân hàng. Định hướng trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đa dạng nguồn thu nhằm phân tán rủi ro, không quá phụ thuộc vào thu nhập lãi hay phí.

Tiếp tục phát triển ngân hàng bán lẻ thông qua đẩy mạnh bán chéo sản phẩm bảo hiểm, đầu tư, cung cấp những gói sản phẩm tài chính toàn diện và ưu việt, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng để cải thiện cơ cấu thu nhập, tăng nguồn thu phi tín dụng và giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng là mục tiêu mà nhiều ngân hàng đặt ra trong thời gian tới.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, lợi nhuận ngành ngân hàng đang ngày càng “chất” hơn khi trong cấu trúc nguồn thu các ngân hàng đang ngày càng đa dạng, giảm bớt phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng như trước kia, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.

Nhất là tỷ trọng thu lãi từ dịch vụ tăng trưởng mạnh cả nhóm ngân hàng lớn, nhỏ là tín hiệu rất đáng mừng.

“Có lẽ sau giai đoạn tăng trưởng nóng chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, các ngân hàng đã tự nhìn nhận lại cách thức để tạo ra lợi nhuận bền vững hơn để đảm bảo hoạt động ngân hàng ngày càng an toàn, hiệu quả”, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến