Các ngân hàng đều tăng cao kỳ vọng tốc độ phát triển kinh doanh cuối năm.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có tới 88,5% tổ chức tín dụng tham gia điều tra kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 ”cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 20-27,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Ngoài ra, dự báo trong cả năm 2019, đa số tổ chức tín dụng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện đối với cả VND và ngoại tệ… Nguyên nhân của những kỳ vọng lạc quan này đến từ sự phát triển kinh tế của cả nước đang ổn định và bền vững, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là việc các ngân hàng thu hút được nhiều nguồn vốn từ nước ngoài.
Vì thế, trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã báo lãi kỷ lục, lên tới hàng nghìn tỷ đồng và phần lớn đều đạt trên 50% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Điển hình như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có lợi nhuận trước thuế đạt 11.200 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 4.306 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ)… Không những thế, nhiều tín hiệu sự kiện quan trọng, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng cũng đã được công bố. Tiêu biểu là việc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố bán 15% vốn cho KEB Hana Bank tương đương với khoảng 882 triệu USD, Vietcombank có khả năng bán 6,5% cổ phần, MB dự kiến bán 7,5% vốn cho nước ngoài…
Ngoài ra, theo chuyên gia tài chính Phan Linh, Giám đốc Công ty Tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam, động lực chính để các ngân hàng lãi “khủng” là do tăng trưởng tín dụng. Vì thế, nhiều ngân hàng đã được NHNN chấp thuận nới room tín dụng do nửa đầu năm tăng trưởng đã gần hết room. Theo đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ 13% lên 17%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ 12% lên 16%; Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) từ 13% lên 17%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) từ 13% lên 17%... Đây là những ngân hàng đã được áp dụng theo chuẩn mực quốc tế Basel II, việc nới room này sẽ càng mở rộng cho con đường vượt chỉ tiêu cả năm 2019 của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tập trung vào đẩy mạnh mảng kinh doanh bán lẻ, đẩy mạnh cho vay những mảng có biên lãi cao như tiêu dùng cá nhân (chủ yếu vẫn là cho vay mua nhà và mua xe), đặc biệt là việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng… Những mảng kinh doanh này đã đem lại mức thu nhập đột biến cho nhiều ngân hàng trong 6 tháng qua và dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới, bởi dư địa thị trường trong các lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn còn rất rộng mở.
Vẫn còn thách thức
Trong những tháng còn lại của năm 2019, các ngân hàng sẽ càng có thêm nhiều động lực tích cực từ hoạt động cho vay hơn khi đây mới là thời điểm DN đẩy mạnh hoạt động vay vốn. Tuy nhiên, thách thức từ nợ xấu vẫn luôn đeo bám ngành ngân hàng và sẽ có tác động đáng kể đến chỉ tiêu lợi nhuận của các nhà băng, nhất là khi xét trong tình hình chung, nợ xấu đang có xu hướng tăng lên. Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng từ lớn đến nhỏ đã cho thấy xu hướng “đi lùi” của nợ xấu, như Vietcombank có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng lên 1,03% từ mức 1% hồi đầu năm; Ngân hàng SHB cũng tăng từ 2,4% hồi đầu năm lên 2,88%; TPBank tăng từ 1,12% lên 1,5%; Kienlongbank từ mức dưới 1% cũng đã tăng lên 1,15%; VPBank từ mức 2,72% lên 2,89%...
Càng đáng chú ý hơn là trong cuối năm nay, lượng nợ xấu dồn bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong nửa cuối năm 2014 theo kỳ hạn 5 năm sẽ đáo hạn. Tuy nhiên, do thời gian đáo hạn dài, lại đã được trình lập dự phòng 20% mỗi năm nên áp lực sẽ không quá lớn, nhiều ngân hàng cũng đã có kế hoạch tất toán nợ xấu tại VAMC.
Đặc biệt, nếu “soi” vào khả năng sinh lời của các ngân hàng thì sẽ thấy nhiều sự phân hóa. Tiêu biểu như tại một “ông lớn” ngân hàng là BIDV, tính đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của BIDV lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, nhưng ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) của ngân hàng này lại chỉ đạt 0,28%, thuộc top dưới toàn ngành, thấp hơn con số 0,31% của cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, VietinBank cũng có tổng tài sản đứng thứ hai toàn ngành, nhưng ROA nửa đầu năm chỉ đạt 0,37%. Những chỉ số của 2 ngân hàng lớn này chỉ tương đương một số ngân hàng nhỏ như VietBank (0,37%) hay BacABank (0,35%). Tuy vậy, vẫn có một số ngân hàng có ROA ở mức cao như Techcombank đạt 1,33%, VPBank và MB cùng đạt 1,03%, TPBank đạt 0,92%...
Bên cạnh những thách thức nội tại ngân hàng, thách thức bên ngoài cũng là điểm các nhà băng phải chú ý. Chuyên gia tài chính Phan Linh cho hay, với chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thế giới thời gian qua, Việt Nam không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, qua đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người cho vay là các ngân hàng. Hơn nữa, việc NHNN siết tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản hay chứng khoán cũng khiến thu nhập của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, để hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 và tiếp tục là nhóm ngành dẫn dắt thị trường, các ngân hàng phải thận trọng trong chiến lược kinh doanh.
Theo báo Hải Quan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy