Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank báo cáo tại hội nghị chiều 21/9. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại tư nhân lớn diễn ra chiều 21/9, lãnh đạo một loạt ngân hàng như HDBank, Techcombank, VIB, Sacombank... đã đề xuất một loạt giải pháp nhằm khơi thông thêm dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng chung.
Lãi vay đã giảm 1-2%
Chia sẻ tại hội nghị, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết tăng trưởng tín dụng của nhà băng đến nay đã đạt trên 15% so với đầu năm, quy mô dư nợ vượt 390.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ ở mức thấp, chỉ 1,74% tổng dư nợ.
Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của bão lũ, HDBank dự kiến dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp hơn 1-2% để cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm 1% lãi suất của các khoản vay sản xuất kinh doanh hiện hữu cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Với các khoản vay sản xuất kinh doanh mới, nhà băng này cho biết đã đưa ra chính sách giảm 2% lãi suất trong 3 tháng đầu, hoặc miễn lãi suất cho tháng đầu tiên.
Tương tự, với VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT cho biết ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay tại tất cả phân khúc khách hàng. Trong quý II, ngân hàng này đã ban hành gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay mua nhà ở, với lãi suất chỉ 5,9-6,9-7,9%/năm cho các kỳ cố định lãi suất lên tới 24 tháng.
Với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng cũng duy trì mức lãi suất thấp, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 2,9%/năm.
Tại hội nghị, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết đến hết ngày 31/8, tổng nợ gốc mà nhà băng này đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đạt trên 6.200 tỷ đồng; tổng nợ lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 154 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Cùng với đó, lãi suất cho vay tại Techcombank cũng có xu hướng giảm dần kể từ cuối năm 2022. Tính tới tháng 8, lãi suất cho vay bình quân ở mức 7,73%/năm, tiếp tục giảm so với tháng 3 và đã giảm 2,24%/năm so với cuối năm ngoái.
Ông Hùng Anh cho biết thời gian qua, Techcombank cũng đã tham gia chương trình cung ứng tín dụng cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với tổng doanh số giải ngân đăng ký 5.000 tỷ đồng.
Với Sacombank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết đến 31/8, nhà băng này đã cho vay sản xuất kinh doanh đạt 347.000 tỷ đồng. Công tác quản trị chặt chẽ chi phí vốn giúp ngân hàng kéo giảm lãi suất huy động 1,2% so với đầu năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay gần 1,5%.
Lãi suất giải ngân hiện nay tại Sacombank chỉ quanh mức 7,5%/năm (trong đó khách hàng cá nhân là 7,9%/năm và doanh nghiệp là 7%/năm). Cùng với đó, nhà băng này cũng đang triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi chỉ 3-6,5%/năm. Đến nay, doanh số cho vay gói này đã đạt 130.000 tỷ đồng giải ngân cho hơn 33.000 lượt khách hàng.
Đề xuất được thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đánh giá việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu hiện còn rất khó khăn.
Theo đó, các ngân hàng hiện không thể thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý và quyền thu giữ dù đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của luật pháp.
Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án thường kéo dài trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi, trả chi phí huy động vốn hàng ngày.
Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho các ngân hàng có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy