Dòng sự kiện:
Ngân hàng “đông dân” nhất
16/09/2014 08:45:25
ANTT.VN - Với gần 1,2 vạn lao động, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank hiện đang là nhà băng "đông dân" nhất trong nhóm các Ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh
Không kể nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, với lực lượng gần 1,2 vạn lao động, Sacombank đang là ngân hàng có lượng nhân sự dồi dào nhất trong nhóm các ngân hàng cổ phần, bỏ xa ngân hàng xếp thứ 2 là ACB tới 3.000 người. Sacombank hiện có 426 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh thành Việt Nam và 2 nước Lào, Campuchia.
Tổng số nhân sự đang làm việc tại Sacombank lên tới 1,2 vạn người (Ảnh: Sacombank)

Lịch sử hình thành

Sacombank có tên đầy đủ là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín được thành lập từ năm 1991, là một trong những NH TMCP đầu tiên được thành lập tại Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Phát triển Kinh tế Gò Vấp cùng với 3 hợp tác xã tín dụng Tân Bình, Thành Công và Lữ Gia.

Năm 1993, Sacombank trở thành NH TMCP đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh khai trương chi nhánh tại Hà Nội và phát hành kỳ phiếu có mục đích và tiến hành dịch vụ chuyển tiền nhanh giữa 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Sài Gòn Thương Tín cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng với mệnh giá 200.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 71 tỷ đồng với gần 9.000 cổ đông tham gia góp vốn vào năm 1996.

Một mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển của Sacombank là vào năm 2001 khi Tập đoàn Tài chính Dragon Financial Holdings (Anh Quốc) tham gia góp 10% vốn điều lệ của Sacombank, mở đường cho việc tham gia góp vốn cổ phần của Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation – IFC, trực thuộc World Bank) vào năm 2002 và Ngân hàng ANZ vào năm 2005. Nhờ vào sự hợp tác này mà Sacombank đã sớm nhận được sự hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, công nghệ ngân hàng, quản lý rủi ro, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực từ các cổ đông chiến lược nước ngoài.

Bên cạnh đó, vào năm 2006, Sacombank cũng là trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên tại Việt Nam tiên phong niêm yết cổ phiếu tại HOSE với tổng số vốn niêm yết là 1.900 tỷ đồng. Ngày 03/02/2012, cổ phiếu STB của Sacombank nằm trong nhóm cổ phếu VN30 được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố.

Sacombank hiện nằm trong top các ngân hàng cổ phần có số vốn điều lệ lớn nhất; tính tới thời điểm cuối năm 2013 số vốn điều lệ của ngân hàng này là hơn 12.425 và có kế hoạch tăng lên 13.500 tỷ cuối năm 2014.

Tình hình hoạt động kinh doanh

Theo báo cáo tài chính bán niên 2014 mà nhà băng này vừa mới công bố, kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, tổng tài sản đạt của Sacombank đạt 177.508 tỷ đồng, tăng 10,8%; tổng huy động đạt 157.633 tỷ đồng, tăng 12%; tổng dư nợ đạt 121.670 tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm.

Tính đến ngày 30/6, nợ xấu của Sacombank là hơn 1.777 tỷ đồng, chiếm 1,51% trên tổng dư nợ . Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của Sacombank đều giảm so với đầu năm, tuy nhiên nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 316 tỷ đồng lên 1.323 tỷ so với hồi đầu năm - tương ứng tăng hơn 31% (1.007 tỷ đồng).

Cũng theo báo cáo này, lợi nhuận sau thuế quý 2 của Sacombank đạt 614,32 tỷ đồng, tăng 155,98 tỷ đồng, tương ứng 34,04%; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.201,26 tỷ đồng, tăng 98,68 tỷ đồng, tương ứng 8,95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, thu nhập thuần từ lãi và thu nhập khác là hai chỉ tiêu mang nhiều tiền nhất về cho Sacombank. Thu nhập thuần từ lãi đạt 1.832,23 tỷ đồng, tăng 246,11 tỷ đồng, tương ứng 15,52% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.340,46 tỷ đồng.

Lãi từ hoạt động khác đạt 108,48 tỷ đồng, tăng 103,93 tỷ đồng, tương ứng 22,84 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 118,03 tỷ đồng.

Thu nhập thuần từ lãi và thu nhập khác tăng khá mạnh đủ bù đắp cho sự đi xuống của nhiều hoạt động khác như hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư, mua bán chứng khoán đầu tư.

Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ quý 2 chỉ đạt 175,19 tỷ đồng, giảm 50,47 tỷ đồng, tương ứng 22,37% so với cùng kỳ năm 2013; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 393,36 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán chứng khoán mang lại cho Sacombank khoản lỗ 85,07 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 8,28 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số lãi 84,26 tỷ đồng của quý 2/2013.

Kỳ này, Sacombank đã cải thiện mạnh được hoạt động kinh doanh ngoại hối khi hoạt động này mang về cho ngân hàng khoản lãi 50,64 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, ngoại hối khiến Sacombank thua lỗ tới 361,05 tỷ đồng.

Thu nhập thuần từ lãi và thu nhập khác đủ sức bù đắp cho nhiều hoạt động yếu kém cũng như chi phí tăng vọt nên lợi nhuận trước chi phí dự phòng rủi ro tài chính tăng trưởng đáng kể. Chi phí hoạt động của ngân hàng trong quý 2 là 1.106,35 tỷ đồng, tăng 169,59 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank đạt 997,5 tỷ đồng, tăng 353,49 tỷ đồng, tương ứng 54,89% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.839,44 tỷ đồng.

Trong kỳ Sacombank đẩy mạnh trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 216,5 tỷ đồng, tăng 170,42 tỷ đồng, tương ứng 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2013. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh khiến tốc độ tăng của lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Sacombank vẫn tăng khá mạnh.

Theo giải trình của Sacombank, lợi nhuận quý 2 tăng 156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là bởi phần thu nhập lãi thuần tăng tới 246 tỷ đồng, trong đó chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay giảm 353,6 tỷ đồng, thu nhập lãi giảm 107,5 tỷ đồng.

Tăng vọt về lợi nhuận, trong quý 2/2014, Sacombank cũng đẩy mạnh tuyển dụng. Theo đó, tại thời điểm 30/6/2014, Sacombank có 11.089 nhân viên, tăng 303 người so với thời điểm cuối quý 1/2014.

Thực tế cũng chứng minh điều đó khi thời gian qua, Sacombank công khai tuyển dụng nhân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhu cầu lao động của Sacombank phần nhiều là nhân viên khách hàng và tín dụng.

Song song với việc tăng nhân sự, Sacombank cũng “rót” thêm nhiều tiền vào quỹ lương. Trong 6 tháng đầu năm, quỹ lương của Sacombank đạt 1.072,99 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi nhân viên của ngân hàng nhận 96,76 triệu đồng/người/6 tháng, tương ứng 16,13 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, thu nhập nhân viên Sacombank đã được cải thiện đáng kể. Trong quý 1 năm nay, bình quân mỗi nhân viên Sacombank nhận 41,81 triệu đồng/người/3 tháng, tương đương 13,94 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, lương thưởng của nhân viên đã tăng 2,19 triệu đồng/người/tháng.

Các cổ đông lớn nhất

Cơ cấu cổ đông tại Sacombank hiện nay

Hiện tại, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín là ông Kiều Hữu Dũng, Tổng giám đốc là ông Phan Huy Khang. Cổ đông lớn nhất của Sacombank là NH TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank). Hiện Eximbank đang nắm giữ khoảng 10% cổ phần STB.

Tiếp đến là gia đình Phó chủ tịch thường trực HĐQT Trầm Bê với tổng cộng 6,78% cổ phần ngân hàng. Trong đó ông Trầm Bê nắm giữ 1,84 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,15% vốn điều lệ; con trai ông Bê là Trầm Trọng Ngân giữ 54,72 triệu cổ phiếu, tương đương 4,4% vốn STB; một người con trai khác là Trầm Khải Hòa giữ hơn 24 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,93% và con gái Trầm Thuyết Kiều giữ gần 3,6 triệu cổ phiếu chiếm tỷ lệ 0,3% vốn.

Tổng giám đốc Sacombank ông Phan Huy Khang đang nắm giữ 15,92 triệu cổ phiếu Sacombank, chiếm 1,28% vốn của ngân hàng trong khi ông chủ tịch HĐQT Kiều Hữu Dũng và người nhà không có cổ phiếu.

Ninh Giang

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến