Dòng sự kiện:
Ngân hàng đua lãi suất huy động, lãi suất cho vay hiện như thế nào?
01/09/2019 16:05:55
Lãi suất huy động có dấu hiệu tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Hàng loạt ngân hàng đã đẩy lãi suất lên trên 8%/năm, trong đó có ngân hàng huy động với lãi suất lên tới 10,2%/năm.

Điều này gây lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần (19-23/8/2019). Theo đó, hiện lãi suất huy động trong tuần phổ biến ở mức 0,2-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.

So với thông tin từ NHNN hồi tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể. Cụ thể, cuối tháng 6, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5-6,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.

Trong khi đó, theo thống kê của chúng tôi, đã có khoảng một nửa số ngân hàng trong hệ thống niêm yết lãi suất huy động trên 8%/năm, chủ yếu áp dụng cho kỳ hạn dài trên 1 năm. Lãi suất huy động cao nhất cũng đã lên trên 10%/năm. Ngay cả ở kỳ hạn ngắn cũng đã xuất hiện ngân hàng có lãi suất trên 8%/năm. 

Theo NHNN, lãi suất cho vay hiện phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn,9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay gần như không thay đổi so với hồi đầu năm, trước khi lãi suất huy động rục rịch tăng.

Trong bối cảnh lãi suất huy động neo ở mức cao, lạm phát nhiều khả năng nằm dưới mục tiêu đã đề ra, NHNN và các NHTM có vốn nhà nước đã có động thái nới lỏng hơn để hỗ trợ giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giữa tháng 7, NHNN đã giảm lãi suất tín phiếu 25 điểm cơ bản xuống còn 2,75% sau khi đã duy trì ở mức 3% suốt từ giữa năm 2018. Bên cạnh đó, việc mua vào ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối quốc gia, NHNN duy trì thanh khoản hệ thống dư thừa ở mức hợp lý. Lãi suất liên ngân hàng được đẩy xuống thấp.

Theo BVSC, trong tuần cuối tháng 8, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, NHNN cũng đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút tiền về, thậm chí bơm ròng vốn qua OMO một vài phiên. Số dư tín phiếu lưu hanh vào thời điểm cuối tháng 8 đã về mức 0 (thay cho mức 60-70 nghìn tỷ đồng các tháng trước đây).

Đầu tháng 8, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đã cùng tuyên bố giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo thành làn sóng trong hệ thống, tuy nhiên, lãi suất cho vay tại các ngân hàng khác vẫn rất im ắng.

Trên thực tế, theo nhận định của các chuyên gia, tuyên bố giảm lãi suất của Big4 ngân hàng khó có thể tác động lên mặt bằng lãi suất chung bởi trên thực tế thanh khoản tại mỗi ngân hàng khác nhau. Trong bối cảnh chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ còn khiến nhiều ngân hàng, đặc biệt ngân hàng quy mô vừa và nhỏ gặp áp lực huy động, khiến lãi suất cho vay khó giảm.

Theo Tri thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến