Diễn biến trên thị trường cho thấy, các ngân hàng đang đua nhau tăng nhẹ lãi suất huy động tiết kiệm ở khu vực dân cư. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo lắng nếu lãi suất huy động tăng cao sẽ ảnh hưởng tới lãi suất cho vay doanh nghiệp.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, có khoảng 12 ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với các mức tăng nhẹ lãi suất huy động 0,1 - 0,3%/năm. Các ngân hàng Á Châu (ACB), Hàng hải (MSB) và Bản Việt (VietCapital) hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm. Ngân hàng Nam Á cao nhất là 7,4%/năm và Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) dẫn đầu với lãi suất cao nhất là 7,8%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 - 0,7%/năm. Lãi suất bình quân liên ngân hàng sụt giảm cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào.
Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc kinh doanh Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á cho biết, các ngân hàng cũng đang tập trung huy động tiền gửi ngân hàng. “Hầu hết các khách hàng hay doanh nghiệp đến gửi tiền đều có quà tặng hay hưởng các mức lãi suất ưu đãi, Ngân hàng Nam Á muốn hướng đến những khách hàng mới biết đến dịch vụ của ngân hàng”, ông Cường cho biết.
Việc dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng một phần là do lãi suất huy động đang dần hấp dẫn trở lại, cùng nhiều chương trình khuyến mãi, phần khác là bởi đây vẫn luôn được xem là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, vàng,... đang có biến động khó lường.
Chị Trần Thị Trinh, sống tại Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận xét, hiện đang thấy có xu hướng dịch chuyển dần nguồn đầu tư của bản thân và gia đình vào các khoản gửi ngân hàng. “Nhiều ngân hàng hướng các gia đình đến kênh đầu tư tiền gửi ngân hàng, vì hiện nay nhiều người cũng không muốn đầu tư mạo hiểm”, chị Trinh bày tỏ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng, nguyên nhân chính phải kể đến là lạm phát có xu hướng tăng, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các NHTM duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa.
Từ đó, NHTM buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền vào. Khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, dòng tiền cần phải quay lại khu vực sản xuất, giảm bớt ở các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán, tiền, vàng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. “Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp”, ông Lực nhận định.
Hiện các doanh nghiệp đang lo ngại về xu hướng lãi suất tăng, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.
Trong khi đó, gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp đang cần nguồn vốn rẻ vẫn phải chờ đợi. Đây là một vòng luẩn quẩn cần được tháo gỡ kịp thời./.
Tác giả: Bảo Ngọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy