Ngân hàng è cổ gánh chi phí hoạt động và dự phòng nợ xấu
23/05/2016 07:42:37
Báo cáo tài chính quý I/2016 của một loạt các ngân hàng TMCP đang niêm yết cho thấy, chi phí dự phòng và chi phí hoạt động vẫn là gánh nặng của các ngân hàng.

Tin liên quan

Theo báo cáo tài chính quý I của Ngân hàng BIDV, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.077 tỷ đồng, giảm 8,61% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu khiến LNTT giảm là do chi phí dự phòng rủi ro tăng 103,38% so với cùng kỳ lên 1.990 tỷ đồng. Trong đó, 1.630 tỷ đồng là dự phòng nợ xấu, dự phòng chung là 395 tỷ đồng và dự phòng riêng là 1.235 tỷ đồng, 56,47 tỷ đồng nợ xấu liên ngân hàng và 303,36 tỷ đồng dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC.

Đáng chú ý, BIDV đã không trích lập dự phòng nợ xấu liên ngân hàng và trái phiếu VAMC trong quý I/2015. Đến cuối năm 2015, BIDV sở hữu 20.800 tỷ đồng giá trị trái phiếu VAMC mệnh giá, với ước tính dự phòng cần thiết là 4.160 tỷ đồng trích lập trong năm 2016.

BIDV đã không trích lập dự phòng nợ xấu liên ngân hàng và trái phiếu VAMC trong quý I/2015.

Đối với ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), LNTT quý I tăng 8,35% so với cùng kỳ, đạt 389 tỷ đồng. ACB đã hoàn nhập 22,25 tỷ đồng chi phí dự phòng liên quan đến các khoản phải thu và tài sản khác, tăng 23,91% so với cùng kỳ.

Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ACB cho biết tổng khoản nợ liên quan đến nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên hiện còn 5.767 tỷ đồng. Trong quý I/2016, ACB đã trích lập 200 tỷ đồng dự phòng cho số nợ này. Lãnh đạo ACB cũng cho biết ngân hàng vẫn còn tồn đọng hai khoản nợ xấu liên ngân hàng lớn bao gồm: 400 tỷ đồng nợ xấu tại Ngân hàng Xây dựng và khoản tiền 772 tỷ đồng tại GPBank. ACB đã trích lập 176 tỷ đồng dự phòng cho khoản nợ xấu tại Ngân hàng Xây dựng.

Trong số các ngân hàng niêm yết, Eximbank (EIB) là ngân hàng mất nhiều chi phí cho dự phòng rủi ro nhất. Từ năm 2016, theo định kỳ hàng quý, Eximbank phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trên cơ sở dồn tích. Do vậy, chi phí dự phòng rủi ro quý I của EIB lên đến 337 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế của EIB chỉ còn hơn 30 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 24 tỷ đồng, bằng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một ngân hàng niêm yết khác cũng phải tăng trích lập dự phòng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Lợi nhuận quý I của SHB đạt 244 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, SHB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 168 tỷ đồng, điều này đã kéo mức tăng trưởng lợi nhuận quý I của SHB xuống đáng kể.

Trong số các ngân hàng niêm yết, bất ngờ nhất có lẽ là Sacombank (STB), kết thúc quý I/2016, ngân hàng này ghi nhận 161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 74%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro lại giảm mạnh 85% xuống còn chưa đầy 50 tỷ đồng.

Không giống như các ngân hàng trên, chi phí dự phòng giảm giúp LNTT của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) tăng trưởng trong quý I. Báo cáo tài chính cho thấy LNTT hợp nhất đạt 882,3 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng giảm đáng kể 68,6% so với cùng kỳ xuống 239,4 tỷ đồng. Phần lớn chi phí dự phòng là dự phòng cho vay khách hàng.

Theo Infonet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến