Hàng loạt thông điệp giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp dồn dập được đưa ra, đặc biệt việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 687/2023 về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đã cho thấy Chính phủ đang rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm, song lãi suất cho vay bình quân vẫn trên 10%. Chính vì vậy, phải làm gì để dòng vốn rẻ đến được tay doanh nghiệp, thay vì “lên tivi mà vay” đã trở thành vấn đề bức thiết, nhất là khi sức khỏe của nhiều doanh nghiệp ngày càng đáng lo ngại.
Theo ước tính của các cơ quan quản lý, tín dụng ngân hàng hiện chiếm 50%, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp giảm chi phí vốn cho 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Dù việc giảm lãi suất sẽ tác động trực tiếp đến chi phí vốn tại doanh nghiệp, nhưng nhiều năm nay, doanh nghiệp trong nước vẫn chịu mức lãi suất cho vay trên 10%, có thời điểm lên tới 15-16%/năm. Điều này đã triệt tiêu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, việc thiết lập một mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý có tác dụng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là mơ ước của nhiều doanh nghiệp.
Tiếp cận vốn cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu. Nhiều doanh nghiệp than thở, sau Covid-19, “sức khỏe” doanh nghiệp đã giảm rất nhiều và hiện là lúc họ rất cần vốn để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng điều kiện vay của ngân hàng vẫn áp dụng như thời điểm nền kinh tế còn sung sức. Đó là chưa kể, nhiều ngân hàng còn bày đặt thu thêm phí hoặc ép mua bảo hiểm…
Câu hỏi đặt ra là, liều lượng chính sách tiền tệ liệu đã đủ để hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện yêu cầu của Chính phủ hay chưa?
Trên thực tế, liều lượng chính sách tiền tệ đã tạm đủ, vấn đề còn lại nằm ở khâu thực thi và phối hợp chính sách.
Thứ nhất, về lãi suất điều hành, NHNN Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới chuyển hướng từ chính sách tiền tệ thắt chặt sang nới lỏng. Cơ quan này cũng để ngỏ khả năng giảm thêm lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm.
Thứ hai, điều kiện vay vẫn tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng, song nhà điều hành đã ban hành một số thông tư như Thông tư 06/2023/TT-NHNN hay Thông tư 02 về cơ cấu nợ. Đây là các giải pháp kỹ thuật cho phép ngân hàng “nới” điều kiện vay. Ngoài ra, NHNN cũng bật đèn xanh cho vay điện tử, mở ra triển vọng thúc đẩy cho vay tiêu dùng, qua đó kích thích tiêu dùng nội địa.
Như vậy, vốn rẻ, vốn dễ đã có cơ chế thực hiện. Trong bối cảnh dư thừa vốn như hiện nay, giảm thêm lãi suất là điều ngân hàng bắt buộc phải làm nếu muốn cạnh tranh để cho vay, song nhiều ngân hàng vẫn rất trăn trở về việc nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng, bởi nếu để thất thoát vốn thì trách nhiệm và hậu quả là rất lớn. Chính vì vậy, các ngân hàng cần thêm điểm tựa thì mới có thể “phóng tay” đẩy mạnh tín dụng. Điểm tựa lớn nhất lúc này chính là sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của nhiều chính sách.
Sự phối hợp ở đây chính là công tác tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp phải được đẩy mạnh, tốc độ thực thi chính sách hỗ trợ tài khóa phải nhanh, phải sớm thay đổi được tâm lý sợ làm, sợ chịu trách nhiệm của cán bộ. Kèm theo đó là phải đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Một điểm tựa nữa để ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay là phải thúc đẩy thị trường vốn phát triển, có nghĩa cần có thêm những “chiếc đệm vừa giày” cho từng phân khúc doanh nghiệp và kỳ hạn sử dụng vốn. Đơn cử, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phát huy hiệu lực của các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; với doanh nghiệp bất động sản, cần kích hoạt lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp…, thay vì tất cả đều đổ dồn vào tín dụng ngân hàng.
Ngân hàng có thể giảm tiếp lãi suất cho vay, điều kiện vay có thể linh hoạt hơn. Thế nhưng, ngân hàng cũng không thể giảm mãi lãi suất, bởi nếu không, dòng tiền sẽ lại tháo chạy khỏi hệ thống. Khi đó “vết xe đổ” - tiền rẻ chảy vào chứng khoán, bất động sản - lại xuất hiện và tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Rõ ràng, cùng với nỗ lực giảm lãi suất, cần phải có thêm giải pháp hỗ trợ cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng tìm kiếm thị trường. Khi đó, dòng tiền rẻ mới chảy đúng chỗ, mới thẩm thấu vào nền kinh tế và có thể mang lại hiệu quả như mong đợi.
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy