Dòng sự kiện:
Ngân hàng hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp
11/01/2019 13:01:44
Theo đánh giá của giới chuyên môn, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng lớn tác động tích cực tới thị trường.

Sau khi Agribank, Vietcombank công bố giảm lãi suất ngay tại Hội nghị Ngành, hai ông lớn khác là BIDV và VietinBank cũng đã tuyên bố điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay đối tượng thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định.

Ảnh minh họa

Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, để hỗ trợ các DN, ngân hàng quyết định cắt lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên 0,25%/năm. Riêng VietinBank, tuy chưa thông tin cụ thể về thời điểm giảm lãi suất, nhưng trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, VietinBank cũng sẽ tiếp tục xem xét và sẽ tiếp tục để điều chỉnh, duy trì mức lãi suất cho vay hợp lý nhất. Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn lãi suất cho vay khoảng 6%/năm. Đối với cho vay trung, dài hạn có thể giảm khoảng 0,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay năm 2018.

“Chúng tôi triển khai thực hiện việc này phù hợp với điều kiện thực tế ở một số những địa bàn mà nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng lớn, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên sẽ xem xét để có điều chỉnh mạnh mẽ hơn”, ông Thọ chia sẻ thêm về kế hoạch giảm lãi suất của ngân hàng này.

Là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 0,5%/năm đối với 5 đối tượng ưu tiên, Chủ tịch HĐTV Trịnh Ngọc Khánh cho hay, với lần giảm lãi suất này, hiện mặt bằng lãi suất cho vay của Agribank đang thấp nhất thị trường. Còn nhớ ngay sau Hội nghị Ngành 2018, đúng ngày 10/1/2018, Agribank đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn tối đa 6,0%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, đến thời điểm này lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng này chỉ còn 5,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn là 7,0%/năm.

Việc giảm lãi suất đầu ra, trong khi vẫn phải giữ nguyên lãi suất đầu vào đương nhiên tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng. Theo tính toán của Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, hiện dư nợ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này, nên việc giảm lãi suất 0,5%/năm cả ngắn hạn, trung và dài hạn sẽ khiến ngân hàng này giảm khoảng 450 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, Vietcombank đã có những giải pháp bù đắp. “Cụ thể là chúng tôi sẽ tiết giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí trích lập dự phòng theo hướng kiểm soát tín dụng chặt chẽ, mặt khác đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ công nghệ để tăng thu nhập từ các khoản thu nhập phi tín dụng”, ông Thành tiết lộ.

Còn tại Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh cũng tỏ ra lạc quan khi chia sẻ Agribank cũng quen với việc giảm lãi suất các chính sách của nhà nước với nông nghiệp, nông dân, các đối tượng chính sách các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Về mặt tài chính, mấy năm trở lại đây Agribank cũng gặp thuận lợi nhờ kinh doanh hiệu quả, thu dịch vụ tăng, thu hồi được gần 12 nghìn tỷ nợ đã bán và đã xử lý rủi ro... Từ các nguồn trên Agribank có thể bù đắp khoản lãi suất giảm và không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người lao động. Trong số các ngân hàng lớn, hiện tại hoạt động kinh doanh của VietinBank gặp khó khăn nhất do tăng trưởng tín dụng thấp. Với mức giảm lãi suất dự kiến thêm 0,5% sẽ làm giảm khoảng 700 tỷ đồng lợi nhuận. Đối với ngân hàng lúc này thì số lợi nhuận trên rất quý giá nhưng, lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh, việc giảm là cần thiết để hỗ trợ DN, thị trường.

Giải pháp để có thể đảm bảo được lãi suất cho vay tốt nhất, theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng, trước hết là làm sao khai thác một cách tốt nhất các nguồn vốn trong nền kinh tế để có nguồn vốn dồi dào với chi phí hợp lý nhất. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục phải cải thiện mạnh mẽ trong quản trị về chất lượng hoạt động cho vay và đầu tư để  đảm bảo vốn tín dụng vào đúng các lĩnh vực mà nền kinh tế đang cần phát triển. Đồng thời, ngân hàng cải thiện mạnh mẽ về các quy trình thủ tục, điều kiện tiếp cận tín dụng, quá trình vận hành của hệ thống để tiết giảm được các chi phí hoạt động. Đó là những yếu tố rất nền tảng có thể giúp cho có mức lãi suất cho vay tốt nhất cho khách hàng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng lớn tác động tích cực tới thị trường. Thực tế, áp lực lên lãi suất cho vay trong năm 2019 là rất lớn. “Tín dụng tăng thấp cũng là một áp lực bởi cung tiền ra thị trường tăng thấp sẽ tạo áp lực lên lãi suất, cộng thêm lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng, lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng đi lên...”, một thành viên Hội đồng tài chính tiền tệ quốc gia phân tích và cho rằng, với việc các ngân hàng chiếm tỷ trọng dư nợ lớn trong nền kinh tế tuyên bố giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên giúp các DN tự tin hơn với kế hoạt phát triển SXKD, qua đó đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến