Dòng sự kiện:
Ngân hàng Indonesia tăng lãi suất lần thứ 5 để ngăn đồng Rupiah rớt giá
28/09/2018 17:06:03
Ngân hàng Trung Ương Indonesia tăng lãi suất chuẩn lần thứ 5 kể từ tháng 5 khi họ đang tăng cường các nỗ lực để bảo vệ đồng Rupiah trong bối cảnh nền kinh tế mới nổi tiếp tục chật vật ngăn đà sụt giảm của tỷ giá.

Ngân hàng này quyết định tăng lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày thêm 25 điểm cơ bản lên 5,75%, phù hợp với dự báo của 37 nhà kinh tế học trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Trong đó, có tới 8 người dự đoán ngân hàng gia tăng 50 điểm cơ bản.

Động thái hôm thứ Năm (27/09/2018) đưa tổng tăng lãi suất trong bốn tháng qua lên 1,5 điểm phần trăm, khiến ngân hàng Indonesia trở thành một trong những ngân hàng trung ương chủ động nhất của khu vực trong năm 2018 trong cuộc chiến chống khủng hoảng thị trường đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển. Thống đốc ngân hàng, Perry Warjiyo đang tích cực theo dõi sự biến động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và căng thẳng thương mại leo thang, thêm vào đó là rủi ro thoát vốn do dòng vốn chảy mạnh khỏi các quốc gia mới nổi.

Ông Warjiyo nói: “Lập trường của Ngân hàng Indonesia vẫn duy trì chính sách diều hâu". “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện các biện pháp tiên phong và vượt trội".

Những biện pháp này phụ thuộc vào "diễn biến và biến động trên thế giới và trong nước, bao gồm cả yếu tố liên quan đến sự phát triển trong việc bình thường hóa chính sách của Fed, căng thẳng chiến tranh thương mại và hành vi của các nhà đầu tư trên toàn cầu ở Indonesia". Hành động chính sách của ngân hàng trong tương lai “sẽ phụ thuộc vào dữ liệu thực tế”, ông nói thêm.

Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Fed tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay và chủ trương sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Ngay sau khi Ngân hàng Indonesia tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Philippine cũng tăng lãi suất chuẩn lên 50 điểm cơ bản lên 4,5%, tăng lãi suất lũy kế từ tháng 5 lên 1,5 điểm phần trăm.

Đồng Rupiah đã mất 9% so với đồng USD từ đầu năm, trở thành đồng tiền tồi tệ thứ hai ở khu vực châu Á chỉ sau đồng Rupee của Ấn Độ. Nó sụt giảm gần 0,1% xuống còn 14.914 so với đồng USD lúc 3 giờ chiều theo giờ địa phương ở Jakarta vào phiên giao dịch ngày thứ Năm (27/09/2018). Ngoài việc tăng lãi suất và can thiệp ngoại hối, chính quyền cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu để giúp thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai.

"Quyết định này phù hợp với những nỗ lực nhằm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai cho đến khi đạt đến giới hạn an toàn và duy trì sức hấp dẫn của thị trường tài chính trong nước để chúng ta có thể tăng cường khả năng chống đỡ trước các áp lực bên ngoài của Indonesia trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn", ông Warjiyo nhận xét. Ngân hàng Trung ương dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 5% đến 5,4% trong năm nay, và giữ lạm phát duy trì trong phạm vi mục tiêu từ  2,5% đến 4,5% trong năm 2018 và 2019.

Wisnu Wardana, một nhà kinh tế học tại Ngân hàng PT Danamon Indonesia, cho biết: “Động thái này phù hợp với áp lực liên tục lên đồng Rupiah xuất phát từ tài khoản thương mại và làn sóng bán ròng các tài sản được định danh bằng đồng Rupiah ở nước ngoài." "Chúng tôi vẫn kỳ vọng tăng thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay."

Ngân hàng Indonesia cũng công bố sự ra mắt của thị trường chuyển tiếp không giao dịch nội địa (non-deliverable forward market) mà theo họ sẽ cung cấp một phương án thay thế cho các công ty muốn phòng ngừa rủi ro với đồng USD và giúp hạn chế biến động của đồng Rupiah. Động thái này được xem là bổ sung các biện pháp trước đây của chính phủ nhằm cải thiện tình trạng xuất khẩu và giữ nhập khẩu ở mức vừa phải.

Hải Yến (Dịch theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến