Dồn dập báo lãi
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019 diễn ra ngày 10/1 vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2018 của Ngân hàng đạt 18.016 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2017 và là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Lợi nhuận hợp nhất đạt 18.356 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2017.
Đóng góp lớn vào mức lợi nhuận kỷ lục này là con số tăng trưởng 14,9% của tín dụng cho vay năm qua so với đầu năm, với dư nợ tín dụng đạt 635.452 tỷ đồng. Ngoài ra, số thu từ thoái vốn các tổ chức năm qua cũng mang về cho ngân hàng này 1.550 tỷ đồng. Cụ thể, Vietcombank đã thoái toàn bộ vốn khỏi OCB và giảm rất mạnh tỷ lệ sở hữu tại MBBank và Eximbank.
Cũng ghi nhận mức lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm 2018 là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh công bố mức LNTT kỷ lục của ngân hàng này đạt 7.525 tỷ đồng, tăng trưởng tới 51% so với năm 2017.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với nhiều ngân hàng khác. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã công bố LNTT năm 2018 đạt tới 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra là 2.200 tỷ đồng. Hay như trường hợp của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), dù chưa công bố thông tin về kết quả kinh doanh năm qua, nhưng thông báo nội bộ mới đây của nhà băng này đã tiết lộ, lần đầu tiên mức LNTT đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi những năm gần đây lợi nhuận của ngân hàng này chỉ quanh mức 160 tỷ đồng vì trích lập dự phòng rủi ro.
Khó tăng trưởng đột biến trong năm 2019
Tại cuộc họp báo công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, năm 2019, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 14%, đi kèm với đó là kiểm soát chất lượng tín dụng.
Mức tăng 14% là không đổi so với năm 2018 và là tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB chia sẻ: “Đây là định hướng dài hạn của Ngân hàng Nhà nước với sự thận trọng hơn trong việc tiếp cận tín dụng và nâng chuẩn ngân hàng để đáp ứng Basel II”. Chính sách thắt chặt tín dụng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm tới.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng Nhóm Vĩ mô thị trường thuộc Công ty CP Chứng khoán BIDV cho biết, ngoài tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu từ tín dụng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018 còn có sự đóng góp của thu từ dịch vụ và việc hoàn nhập dự phòng. Tuy nhiên, lợi nhuận ngành ngân hàng đã gần như đạt đỉnh và năm 2019 khó tăng trưởng mạnh mẽ được như năm 2018 và 2017.
Về rủi ro của ngành ngân hàng trong năm 2019, ông Khoa cho rằng vẫn sẽ là nợ xấu. Đơn cử như vừa rồi, Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC) đưa ra nhận định VietinBank có thể lỗ 765 tỷ đồng trong quý IV/2018 do nợ xấu tăng.
Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2019 sẽ khó tránh ảnh hưởng khi tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng cao, trong khi áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II ngày một lớn. Để gia tăng nguồn thu, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Theo báo Đầu thầu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy