Dòng sự kiện:
Ngân hàng khóa 'room', dành dư địa huy động vốn ngoại
12/05/2021 14:56:30
Mùa đại hội vừa qua, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm ngân hàng khóa "room" ngoại để chờ bán vốn chiến lược giá cao.

OCB đang đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần

Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định, các công ty đại chúng có ngành nghề thuộc diện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài được tự quyết tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) thấp hơn mức trần quy định. Room phải được đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại điều lệ công ty.

Với ngân hàng, room không được vượt quá tỷ lệ 30%, do đó, nhiều nhà băng khóa room dưới mức này nhằm tạo dư địa để huy động vốn ngoại. Nếu không khóa room, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng, khiến dư địa room cạn dần, qua đó ảnh hưởng đến kế hoạch huy động thêm vốn ngoại.

Chẳng hạn, MSB tạm thời giảm room từ 30% xuống 29,88% để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trong đợt chào bán cổ phiếu quỹ ra công chúng và theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP); đồng thời sẽ tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 30%.

Tương tự, Techcombank khóa room ở mức 22,5%, VIB khóa room ở mức 20,5% vốn điều lệ...

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của OCB, Hội đồng quản trị đã trình các cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%, tương đương mức chia năm trước.

Với kế hoạch trên, OCB sẽ phát hành khoảng 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm gần 2.740 tỷ đồng. Cùng với đó, Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua hai phương án khác là bán cổ phiếu cho người lao động (ESOP) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ để nâng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 14.449 tỷ đồng, tương đương tăng 32%. Cụ thể, sẽ có khoảng 5 triệu cổ phiếu được bán theo chương trình ESOP và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

SHB giảm room xuống 10% nhằm tạo dư địa để thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, dù tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng hiện chỉ khoảng 4%.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB cho biết, Ngân hàng đang đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần. Trước đó, trong năm 2020, Ngân hàng đã tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Hiện tại, Aozora Bank là cổ đông chiến lược nắm giữ 15% cổ phần và có 2 thành viên tham gia Hội đồng quản trị OCB.

Với HDBank, cuối năm 2020, ngân hàng này đã điều chỉnh room từ 30% xuống 21,5% nhằm phục vụ kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank chia sẻ, Ngân hàng sẽ không ngừng kết nối cùng các đối tác chiến lược, khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước để mở rộng mạng lưới kinh doanh trong nước và quốc tế. Các nhà đầu tư chiến lược mới sẽ tham gia vào HDBank để cùng phối hợp mở mang các chương trình tài trợ thương mại, phát triển mảng ngân hàng đầu tư và các dịch vụ tài chính tiên tiến khác.

SHB đã giảm room xuống 10% nhằm tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (theo quy định, tỷ lệ sở hữu của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không quá 20% vốn điều lệ), dù tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Ngân hàng hiện chỉ khoảng 4%.

VPBank cũng đã quyết định dành dư địa room để chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và thị trường ổn định hơn.

Mới đây, ngày 28/4/2021, VPBank thực hiện chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC thuộc Tập đoàn SMBC, với giá gần 1,4 tỷ USD. Đây được coi là thương vụ có giá trị chuyển nhượng lớn nhất ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam từ trước đến nay.

Viet Capital Bank đã lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định về room; đồng thời, thông qua việc đưa chứng khoán chào bán ra công chúng trong thời gian tới lên giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Một ngân hàng khác từ lâu đã muốn huy động vốn ngoại là NCB, kế hoạch bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ năm 2017. Theo Hội đồng quản trị NCB, Ngân hàng không chọn nhà đầu tư ngoại bằng mọi giá, mà dựa trên các tiêu chí đã được đặt ra để tìm đối tác phù hợp.

Đối với SCB, trong năm 2021, Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 15.231 tỷ đồng lên 20.231 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện 32,92%. Trước đó, SCB cho hay, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài để bán một phần vốn, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính sau khi hoàn tất tái cơ cấu và tiến hành niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Thực tế, nhiều ngân hàng đang hở room, nhưng cũng có những nhà băng đã kín room. Trong khi đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước với các yêu cầu về an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc tăng vốn ở không ít ngân hàng và một số nhà băng đã kín room gặp khó khăn trong việc tăng vốn, điển hình là VietinBank.

Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, ngân hàng châu Âu được phép sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam tối đa là 49% mà không phải chờ quyết định nới room, song cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, trong đó có VietinBank.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến