Dòng sự kiện:
Ngân hàng không dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao
19/01/2025 06:03:50
Mặc dù năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, phấn đấu tăng trưởng hai con số, song các ngân hàng lại tỏ ra dè dặt trong đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.

Thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận 2025

Lãi suất cho vay không thể tăng, trong khi lãi suất đầu vào có nguy cơ tăng vì áp lực tỷ giá là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng với mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2024, BIDV tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12,4%, tuy nhiên, năm 2025, ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 6-10%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo ngân hàng này cho hay, năm 2024, dù “room” tín dụng của BIDV khá dồi dào và cầu vốn của nền kinh tế tốt hơn do Chính phủ triển khai nhiều dự án lớn, cũng như chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song không có nghĩa lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh theo.

“Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, đồng nghĩa với ngành ngân hàng, đặc biệt là nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (big 4), sẽ phải hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp nhiều hơn để thực hiện mục tiêu này. Do đó, dù vốn có thể bơm ra nền kinh tế nhiều hơn, song ngân hàng không thể đặt mục tiêu tăng trưởng cao, bởi phải hỗ trợ nền kinh tế. Trong năm 2024, BIDV đã giảm trên 8.600 tỷ đồng thu nhập để chia sẻ khó khăn với khách hàng”, đại diện BIDV cho biết.

Tương tự, năm 2025, Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 5% (tương đương năm 2024) dù mục tiêu tín dụng tăng tới 16,28%, cao hơn mức tăng trưởng năm 2024. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng kinh tế năm 2025 sẽ sáng sủa hơn trong trường hợp đầu tư công tăng mạnh, cầu tiêu dùng nội địa không sụt giảm và tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn. Theo đó, lợi nhuận ngân hàng năm 2025 cũng sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, nhiều khả năng, theo vị chuyên gia này, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2025 vẫn ở mức yếu, do đó lợi nhuận ngành ngân hàng cũng không có đột phá, mà sẽ ổn định như năm 2024.

Trong khi đó, chia sẻ về tăng tốc tín dụng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay, lãnh đạo một ngân hàng TMCP tư nhân nói: “Tăng trưởng tín dụng không thể duy ý chí, mà phải phụ thuộc vào cầu tín dụng của nền kinh tế. Ngoài ra, cầu vốn của nền kinh tế không thể dựa hết vào ngân hàng, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Nhưng tôi chắc chắn, các dự án hiệu quả sẽ không thiếu vốn”.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, năm 2025, có tới 15% tổ chức tín dụng lo lắng lợi nhuận sẽ giảm hoặc không đổi so với năm ngoái.

Tỷ giá, lãi suất sẽ “làm khó” lợi nhuận

Theo các ngân hàng thương mại, hai yếu tố tác động mạnh nhất đến lợi nhuận năm 2025 là tỷ giá và lãi suất.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Chỉ số USD Index liên tục tăng cao, hiện xoay quanh 109 điểm, gần mức đỉnh 2 năm và có nguy cơ tiến tới mốc đỉnh 20 năm. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 đã giảm về mức thấp nhất 5 năm, sau khi NHNN liên tiếp bán ngoại tệ can thiệp thị trường.

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating cảnh báo, dự trữ ngoại hối sụt giảm khiến NHNN có ít dư địa hơn để đối phó với biến động ngoại hối thời gian tới. Nếu dòng vốn ngoại chảy ra khỏi Việt Nam tăng lên, không loại trừ NHNN sẽ phải tăng lãi suất để ổn định tỷ giá. 

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, trong bối cảnh USD tăng cao, Chính phủ sẽ phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Theo đó, lãi suất năm 2025 khó tránh tăng lên, mức tăng khoảng 1%. 

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động tăng khoảng 1% là mức có thể chấp nhận được, không gây ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế vĩ mô cũng như lợi nhuận ngân hàng.  

Trả lời câu hỏi của báo chí mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, mức độ tăng lãi suất trên thị trường chưa đến mức phải can thiệp, chưa thấy có hiện tượng tiền gửi chảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Dù vậy, theo các chuyên gia, để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định năm 2025, NHNN phải chấp nhận VND mất giá ở mức phù hợp (có thể quanh mức 5%), thậm chí có thể phải “nới” biên độ tỷ giá thêm chút nữa. Nói chung, lãi suất cũng như lợi nhuận ngân hàng năm 2025 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tỷ giá.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, ổn định tỷ giá năm 2025 là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng với dữ liệu hiện có và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, NHNN tin tưởng vào khả năng kiểm soát thị trường cũng như bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Tác giả: Hà Tâm

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến