Dòng sự kiện:
Ngân hàng lạc quan về tình hình kinh doanh: Cơ sở của kỳ vọng
19/07/2019 14:08:31
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2019 vừa được NHNN Việt Nam công bố mới đây toát lên sự lạc quan của các TCTD về triển vọng kinh doanh trong năm 2019...

Theo đó, có tới 85,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý III/2019 và 88,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 20-27,4% TCTD kỳ vọng mức độ là “cải thiện nhiều”.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia ngân hàng, sự lạc quan này là hoàn toàn có cơ sở sau khi các TCTD đã thu được kết quả kinh doanh khá tốt trong nửa đầu năm. Quả vậy, kết quả cuộc điều tra cũng cho thấy có tới 76% các TCTD nhận định tình hình kinh doanh quý II/2019 cải thiện tốt hơn so với quý I/2019, trong đó có 15,6% đánh giá mức độ cải thiện là “cải thiện nhiều”.

Trên thực tế, mặc dù hiện mới chỉ có một số nhà băng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, song chừng đó cũng đã đủ chứng minh cho nhận định trên khi mà hầu hết trong số đó đều ghi nhận lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng cho dù tốc độ có chậm hơn so với năm trước. Đáng chú ý, thu từ dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của các nhà băng.

Đơn cử như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này đã tăng tới 142,6% so với cùng kỳ năm 2018, từ 315 tỷ đồng lên hơn 764 tỷ đồng. Qua đó, nâng tỷ trọng lãi từ dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của nhà băng này từ mức 11,7% trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 20%. Trong khi thu nhập lãi thuần, dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập của VIB, song đã giảm từ mức 83,5% xuống còn 79%.

Hay như TPBank, kết thúc tháng 6/2019, ngân hàng này đã hoàn thành 50,6% kế hoạch lợi nhuận năm với tổng lợi nhuận trước thuế là 1.620 tỷ đồng. Có được kết quả này một phần cũng nhờ thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này tăng rất mạnh, đạt 605 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018...

Những kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm là điểm tựa vững chắc giúp các nhà băng tự tin hơn với kế hoạch kinh doanh những tháng cuối năm. Thế nhưng yếu tố “thiên thời” chính là việc nền kinh tế vẫn đang cho thấy đà tăng trưởng vững chắc, kinh tế vì mô được duy trì ổn định.

Theo dự báo mới đây của nhiều tổ chức, tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể mục tiêu đã đề ra, thậm chí có thể còn cao hơn. Đơn cử như Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 của Việt Nam lên 6,96%, cao hơn so với dự báo mà tổ chức này đưa ra ngày 29/5 là 6,56% - 6,81%. Hay như Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cũng dự báo tăng trưởng năm 2019 có thể đạt 6,86%, cũng vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là 6,6% – 6,8%.

Dự báo kém lạc quan nhất là của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), song theo CIEM tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam cũng có thể đạt mức 6,82%.

Trong khi đó, cơ hội mở ra từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết như CPTPP hay EVFTA là rất lớn. Không chỉ xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có bước bứt phá mới mà sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho tăng trưởng của Việt Nam.

Lẽ đương nhiên, khi các hoạt động kinh tế - thương mại - đầu tư diễn ra sôi động cũng sẽ là cơ hội cho các ngân hàng mở rộng hoạt động. Đó chính là lý do có tới 64-71% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (như vay vốn, gửi tiền, thanh toán và thẻ) sẽ gia tăng trong quý III/2019 và cả năm 2019 so với năm 2018.

Đáng chú ý, mặc dù nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ tăng, song có tới 81,6% TCTD nhận định mặt bằng giá sẽ giữ ổn định và 6,3% TCTD dự kiến điều chỉnh giảm nhẹ. Tính chung cả năm 2019, 64,2% TCTD kỳ vọng giá bình quân các sản phẩm dịch vụ ngân hàng sẽ được giữ ổn định so với năm trước; 6,3% TCTD kỳ vọng “giảm”.

Tuy nhiên, cơ hội cũng luôn song hành cùng thách thức. Không chỉ nền kinh tế mà hệ thống ngân hàng cũng đang phải đối diện với nhiều rủi ro tiềm ẩn từ kinh tế thế giới, như: rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới; căng thẳng thương mại ở khu vực chưa hạ nhiệt; sự đảo chiều chính sách của các NHTW lớn có thể khiến thị trường tài chính biến động… Đó là điều cần phải hết sức lưu ý.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến