Liên tục giảm lãi tiết kiệm
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng được bơm ra thị trường.
Trong khi đó, tính tới ngày 26/10/2020, dư nợ tín dụng chỉ tăng 6,15% so với đầu năm. Tín dụng tăng chậm và vốn huy động vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng khiến ngân hàng dư thừa một lượng vốn lớn. Ngân hàng nào cũng đang dư thừa tiền.
Tháng 11/2020, các ngân hàng lại điều chỉnh giảm lãi suất huy động một loạt. Hiện lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại lớn, có vốn Nhà nước giữ ở mức từ 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 3,7-5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và từ 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Nhiều ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi từ 0,15-2 điểm % tùy từng kỳ hạn. Chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng giảm còn 3,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 3,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 5%/năm; kỳ hạn từ 15-36 tháng còn 6,3%/năm,... Các mức lãi suất này của ACB đã giảm từ 0,2-0,3 điểm % so với biểu lãi suất hồi tháng 10/2020.
Trên thị trường, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 6 tháng là 6,75%/năm, với kỳ hạn 12 tháng là 7%/năm nhưng dành cho số tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên lĩnh lãi cuối kỳ, với kỳ hạn 13 tháng là 7,2%/năm cho số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên lĩnh lãi cuối kỳ, còn kỳ hạn từ 18-36 tháng là 7,3%/năm.
Có thực tế là thời gian qua, dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng. Thống kê tại một số ngân hàng thương mại cho thấy, dòng tiền gửi dài hạn có xu hướng tăng lên, phản ánh nhu cầu của người dân chọn gửi dài hạn nhằm hưởng lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn giảm chậm và nhỏ giọt. Trên thực tế, một số khoản vay mới đã được các ngân hàng giảm lãi suất thấp nhưng không tương xứng với mức giảm của lãi suất tiết kiệm.
Vốn rẻ ở đâu?
Hiện tại, một số ngân hàng đã có những gói cho vay với lãi suất khá thấp. Thấp nhất là Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) áp dụng cho vay kỳ hạn ngắn là 4,5%/năm (mức trần theo quy định) và lãi suất cho vay trung, dài hạn là 7,5%/năm. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho vay kỳ hạn ngắn là 5,9%/năm, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là 6,5%/năm...
Tuy nhiên, đối tượng được vay phải là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, có lịch sử tài chính tốt, không nợ xấu, nợ quá hạn, kinh doanh hiệu quả... Vì vậy, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay này.
Năm nay các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, người dân.
Còn lại, với hầu hết các doanh nghiệp, lãi suất cho vay vẫn khá cao. Tham khảo lãi suất cho vay khối doanh nghiệp của một số ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho thấy khá giống nhau, đều áp dụng theo nguyên tắc thả nổi, điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần đối với tất cả các kỳ hạn vay.
Lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng từ 8,5%- 9%/năm, kỳ hạn 9 tháng từ 8,9%-9,5%/năm và 12 tháng là 9,3%-9,75%/năm. Lãi suất này chỉ dành cho 3 tháng đầu, tính từ khi vay vốn, sau đó sẽ được điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu, cộng với biên độ từ 1-3%/năm tùy tài sản đảm bảo. Tính ra, vay vốn ngắn hạn từ 6 đến dưới 12 tháng lãi suất vẫn ở mức trên 10%/năm. Chưa kể, một số ngân hàng còn lấy lãi suất huy động cao nhất dành cho khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên để tính lãi vay cho khách hàng.
Các ngân hàng cho hay lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng hiện vẫn ở mức từ 5-7%/năm, cộng với biên độ 3-4% thì tính ra cho vay như vậy là phù hợp, khó giảm thấp hơn. Một số ngân hàng còn khẳng định, lãi suất cho vay không còn dư địa giảm nữa.
Nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn lãi suất vay của các khoản trước đây không được ngân hàng giảm, vẫn phải chịu mức 10,5%-13% cho kỳ hạn 12 tháng. Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, họ vẫn phải trả nợ đầy đủ.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có lý do của mình bởi trước đó, họ phải huy động vốn với lãi suất cao nên cho vay cao. Vì vậy, hy vọng giảm lãi suất cho các khoản vay cũ là không nhiều.
Chỉ có điều, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, trích lập nợ xấu tăng nhưng các ngân hàng vẫn đồng loạt báo lãi lớn sau 9 tháng. Nhiều ngân hàng có lợi nhuận cao vượt kế hoạch đề ra, thậm chí có ngân hàng hết 9 tháng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Mới đây, phát biểu trong Lễ bổ nhiệm tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề yêu cầu: Điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng chi phí thấp, thủ tục đơn giản, thuận tiện. NHNN cần nghiên cứu biện pháp giảm chi phí lãi vay, bởi nhiều ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản. Năm nay các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, người dân.
Tác giả: Trần Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy