Dòng sự kiện:
Ngân hàng lo khó thu hồi khoản vay tại các dự án BOT, BT
25/10/2018 06:01:39
Thống đốc NHNN lo ngại các TCTD có thể gặp rủi ro dài hạn do việc thu hồi vốn vay với các dự án BOT, BT giao thông gặp khó khăn, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ chính sách, từ chính dự án và khách hàng vay vốn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 63/2018/QH14 Quốc hội khóa XIV của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Báo cáo cho thấy, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến ngày 4.10, các chỉ số vĩ mô cơ bản như sau: Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,85% so với cuối năm 2017; tín dụng tăng 9,89%; lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 3,57% và lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm 2018 tăng 1,41%.

Hệ thống ngân hàng tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN cho rằng, tín dụng tăng trưởng theo sát các chỉ tiêu đề ra và đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Hệ thống ngân hàng tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

"Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm dần nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện vững chắc, cho thấy tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp. Tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Theo đó, 7 tháng đầu năm, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (tháng 7/2018 tăng 3,58% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 6,29% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế; tháng 7/2017 tăng 10,92%, chiếm tỷ trọng 6,69%).

Tính đến tháng 8/2018, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 12%, chiếm tỷ trọng khoảng 23%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 7,43%, chiếm tỷ trọng 3,43%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 13,83%, chiếm tỷ trọng 3,21%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 10,8%, chiếm tỷ trọng 18,5%.

Tín dụng đối với các dự án BOT, BT tính đến cuối tháng 8/2018 tăng 6,59% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 1,57%; tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 0,37%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trong thời gian tới việc điều hành chính sách tín dụng sẽ đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Đơn cử như việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng do các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới.

"Việc định giá tài sản đảm bảo là BĐS gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng giá thị trường nên dẫn đến giá cả BĐS không phản ánh đúng giá trị tài sản. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường BĐS còn hạn chế dẫn đến các TCTD gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng,...", Thống đốc Lê Minh Hưng lo ngại.

Đối với các dự án BOT, BT giao thông, các TCTD có thể gặp rủi ro trong dài hạn do việc thu hồi vốn vay đối với các dự án giao thông gặp khó khăn, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ chính sách, từ chính dự án và khách hàng vay vốn.

Hiện nay nguồn lực triển khai các dự án BOT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng chiếm 70 - 90% tổng số vốn. Tính đến cuối tháng 12/2016, đã có 20 TCTD cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỷ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỷ đồng (chiếm hơn 2/3 tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông).

Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nợ nhóm 1; nợ nhóm 2 là 23,44 tỷ đồng; nợ xấu 2,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,003%. Dù nợ xấu được đánh giá thấp, nhưng những rủi ro thanh khoản cho toàn ngành ngân hàng nói chung và cho các NHTM nói riêng là có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Rủi ro chủ yếu là do năng lực thẩm định của Cán bộ Ngân hàng còn hạn chế. Với kết cấu hạ tầng giao thông phức tạp, có thời gian xây dựng kéo dài, nguồn vốn cho vay lớn nên nếu Cán bộ Ngân hàng không thẩm định và sàng lọc được các Dự án hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp và các Chủ đầu tư có năng lực tài chính vững mạnh, đảm bảo đủ nguồn vốn tự có thì có khả năng Ngân hàng sẽ khó thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, do đặc thù của các Dự án BOT thường có mức cho vay lớn, thời gian cho vay kéo dài, đảm bảo giữ được số dư nợ, nên Cán bộ Ngân hàng có xu hướng ưu tiên cho vay các khoản BOT dù khả năng thu hồi vốn của Dự án có thể không khả thi với Ngân hàng. Số tiền cho vay một Dự án hạ tầng giao thông rất cao nên cho vay được một Dự án là Cán bộ Ngân hàng có thể giảm được phần lớn gánh nặng chỉ tiêu tín dụng trong cả năm. Chưa kể vì thời gian cho vay vốn kéo dài nên nếu khoản vay có vấn đề thì khi đó rất có thể các cán bộ này đã hết nhiệm kỳ.

Thời gian cho vay các Dự án BOT, BT thường kéo dài khoảng 15 - 18 năm và dài nhất là từ 25 - 30 năm. Không những vậy, nguồn thu từ khoản đầu tư này qua phí, lệ phí phải mất một thời gian, có thể lên tới 5 - 7 năm thì Chủ đầu tư mới có dòng tiền trả nợ. Trong khi các ngân hàng thường chỉ có nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn thì việc tập trung cho vay những dự án này sẽ khiến mất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối và giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng cho vay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay BOT, BT 4 tổ chức tín dụng: BIDV, VietinBank, Vietcombank và SHB chiếm tới 91% dư nợ toàn ngành. Trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao. Chỉ tính riêng 3 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm gần 86%, dư nợ chiếm 85% so với toàn ngành.

Những vụ lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hạc Trì, Việt Trì (Phú Thọ)... chắc chắn đã khiến không ít ngân hàng ám ảnh. Nếu đây là điểm khởi đầu của hiệu ứng domino, các “ông lớn” ngân hàng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, đó là nợ xấu cũ chưa giải quyết xong, nợ xấu mới lại được cộng thêm vào.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định hiện tổng mức đầu của các dự án BOT đường bộ có khoảng 85-90% vốn tài trợ của ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều vấn đề về gian lận thu phí, kéo dài thời gian thu phí đang khiến ngành ngân hàng phải đứng trước nhiều rủi ro. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông và có chỉ đạo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần tới 960 nghìn tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng giao thông, và còn gần 2000km đường cao tốc cần hoàn thiện. Nhờ có Nghị định 15, thay vì cần đến hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền vốn, nhà đầu tư có thể chỉ cần một phần vốn chủ sở hữu nhỏ hơn nhiều, chỉ 10 - 15% tổng mức đầu tư, chỗ còn lại có thể vay ngân hàng.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến