Tại Hội nghị trực tuyến giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 sáng 26/8, đại diện các ngân hàng thương mại cho biết chính sách hỗ trợ lãi suất này đã được triển khai khoảng 3 tháng, nhưng đến nay doanh số cho vay lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch.
Kế hoạch cao nhưng thực hiện rất thấp
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết tính đến ngày 22/8, dư nợ của các hợp đồng tín dụng ngân hàng ký kết từ 1/1 với khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 chỉ đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay mới đạt khoảng 1.900 tỷ với 361 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng.
Theo ông Vượng, dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ. Đến hết năm nay, số tiền hỗ trợ lãi suất ngân hàng dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết nhà băng này đã đăng ký số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 10% tổng ngân sách hỗ trợ (40.000 tỷ đồng) trong giai đoạn 2022-2023.
Tính từ đầu năm đến 22/8, qua rà soát, đánh giá, Vietcombank ước tính tổng doanh số cho vay với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ vào khoảng 84.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù ngân hàng đã chủ động truyền thông với khoảng 2.200 khách hàng về điều kiện, thủ tục để được hỗ trợ lãi suất, đến nay, số lượng khách hàng đề xuất tham gia vẫn rất hạn chế.
Gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm với số dư dự kiến 800.000 tỷ đồng năm nay nhưng mới giải ngân được 0,5%. Ảnh: Nam Khánh.
“Hiện số dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất theo gói này mới chỉ vào khoảng 400 tỷ đồng. Trong đó, số khách hàng đang tiếp cận gói là 52 khách hàng và số khách đã được hỗ trợ là trên 20 đơn vị”, ông Cường thông tin.
Cũng tại hội nghị, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết từ khi các quy định, hướng dẫn về gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm được ban hành, ngân hàng mới tiếp nhận khoảng 40 hồ sơ đề xuất giảm lãi suất và mới hỗ trợ được cho 20 khách hàng với số dư nợ 650 tỷ đồng, số tiền giảm lãi suất vào khoảng 6,6 tỷ.
Tương tự, sau khoảng 3 tháng triển khai, ông Đào Minh Vũ, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tín dụng Sacombank, cho biết ngân hàng mới tiếp cận được 245 khách hàng đủ điều kiện, tiêu chuẩn vay vốn với dư nợ khoảng 6.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, số khách hàng đề nghị hỗ trợ mới vào khoảng 40 đơn vị và chỉ 29 khách hàng được chấp thuận giảm lãi suất với dư nợ 325 tỷ đồng.
Tại TPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết ngân hàng đã tiếp cận gần 100 khách hàng, nhưng số hồ sơ xin giảm lãi suất chỉ là 30 khách hàng và mới hỗ trợ được cho 3 khách. Với tiến độ này, ngân hàng khó có thể giải ngân hết gói cho vay với mức cam kết hỗ trợ lãi suất 700 tỷ đồng.
Theo kế hoạch các ngân hàng đã đăng ký và được NHNN phê duyệt, mức chi ngân sách hỗ trợ giảm lãi suất dự kiến năm nay vào khoảng 16.035 tỷ đồng, tương đương với khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay được giảm lãi suất.
Tuy nhiên, báo cáo nhanh của các ngân hàng thương mại cho biết sau gần 3 tháng triển khai, doanh số cho vay của gói này mới đạt gần 4.407 tỷ đồng, chưa bằng 1% kế hoạch cho vay các ngân hàng đặt ra năm nay.
Khách hàng không muốn vay
Chia sẻ về vướng mắc khiến gói cho vay hỗ trợ lãi suất này ghi nhận tiến độ giải ngân rất chậm, ông Phạm Toàn Vượng cho biết đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn và là khách hàng cá nhân, chiếm 96% tổng số lượng khách hàng.
Bên cạnh đó, lượng lớn đối tượng khách hàng của Agribank là hộ kinh doanh nhưng không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Nghị định 31. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất rất hạn chế.
Cũng theo ông Vượng, trong quá trình cho vay, khách hàng phản ánh gặp nhiều vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định tại Nghị định 31. Điều này dẫn tới việc ngân hàng không thể đánh giá khách hàng có đủ điều kiện vay hay không.
Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng rà soát danh mục cho vay từ đầu năm đến nay để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đủ điều kiện. Ảnh: SBV.
Tương tự, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết nhiều doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề và việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất rất khó khăn.
Bên cạnh đó, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Theo đại diện Vietinbank, hiện chưa có hướng dẫn chi tiết về phương án khả năng phục hồi thế nào, phục hồi trong bao lâu thì được vay vốn. Điều này khiến mỗi ngân hàng lại có một cách hiểu và áp dụng khác nhau, có khách hàng vay vốn ở nhiều ngân hàng thì nơi được nơi không.
Ngoài ra, điều này cũng khiến cả ngân hàng và khách hàng lo ngại khi phải thực hiện thanh tra, kiểm toán sau này.
Đại diện Vietcombank bổ sung thêm việc khó xác định khách hàng có khả năng phục hồi. Theo đó, tại thời điểm cho vay thì khách hàng vẫn đáp khả năng phục hồi nhưng sau đó khách hàng gặp khó khăn, dẫn tới không đáp ứng điều kiện, đến khi thanh tra, kiểm toán, tiền hỗ trợ sẽ bị thu hồi, gây khó cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Với những khó khăn, vướng mắc trên, các ngân hàng đã kiến nghị NHNN cùng các bộ, ngành có hướng dẫn cụ thể hơn về điều kiện khách hàng được vay vốn theo gói hỗ trợ lãi suất.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng để triển khai hiệu quả chính sách này, các ngân hàng cần rà soát ngay các khoản vay đã kí kết hợp đồng, giải ngân từ 1/1 đến nay để đề xuất hỗ trợ lãi suất với khách hàng đủ điều kiện.
Thống đốc yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn mà không được hỗ trợ.
Với các khó khăn trong thẩm quyền, các ngân hàng có thể tự giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các đơn vị chức năng để NHNN đề xuất các Bộ, ngành tháo gỡ.
Với các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu phải theo dõi, giám sát việc thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, chủ động tháo gỡ khó khăn phát sinh, báo cáo lại NHNN những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh các cơ quan quản lý phải có chế tài xử lý nghiêm với ngân hàng không hỗ trợ cho vay giảm lãi suất với các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy