Dòng sự kiện:
Ngân hàng nào không 'xài' hết room tín dụng sẽ bị điều chuyển
28/05/2022 16:27:24
Ngân hàng Nhà nước cho biết rất thấu hiểu nhu cầu nới room tín dụng của các ngân hàng thương mại và cam kết sẽ tính toán lượng vốn bơm ra nền kinh tế một cách hợp lý.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước là những ngân hàng nào không sử dụng hết room tín dụng sẽ được chuyển sang cho ngân hàng khác.

Quý I/2022, trong khi nhiều ngân hàng như Vietcombank, MB, MSB, HDBank... tăng trưởng tín dụng rất cao, thì nhiều ngân hàng lại có mức tăng tín dụng rất thấp, thậm chí một số ngân hàng sụt giảm so với cùng như NCB, KienlongBank, PG Bank...

Tín dụng 5 tháng đầu năm bật tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu room. Đặc biệt, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) là đơn vị chủ lực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất lo lắng thiếu dư địa triển khai.

Với lượng tín dụng nằm trong nhóm hỗ trợ lãi suất chiếm tới 30-40% tổng dư nợ tín dụng hiện hữu, dự kiến nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng mạnh khi gói hỗ trợ lãi suất được triển khai, trong khi room tín dụng của nhiều ngân hàng đã gần cạn. Chính vì vậy, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước đều đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới room.

Trước đề nghị của các ngân hàng thương mại, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán việc bơm thêm vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng một cách hợp lý để đảm bảo những mục tiêu lớn vĩ mô chung và mục tiêu cụ thể tạo dư địa cho gói hỗ trợ lãi suất 2% trước mắt.

Theo Phó thống đốc, ngay từ khi phân bổ room tín dụng kỳ đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở hợp lý để kiểm soát lạm phát.

"Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn. Ngược lại, thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, room tín dụng phải giải quyết thỏa đáng. Cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.", ông Tú cho hay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, từ nay tới cuối năm, tiếp tục tăng trưởng tín dụng là trọng tâm, trách nhiệm khôi phục nền kinh tế của ngành ngân hàng. Tín dụng tăng trên cơ sở đảm bảo các cân đối vĩ mô vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả tín dụng gắn với chính sách giảm 2% lãi suất.

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ khiến tín dụng tăng trưởng cao, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tăng room tín dụng cho các ngân hàng. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Đây là bài toán khó đặt ra.

Để thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ, Phó thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện quyết liệt, khẩn truwong, đúng quy định, đối tượng, không được trốn tránh trách nhiệm. Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra, giám sát để đảm bảo không có trục lợi chính sách.

Liên quan đến tín dụng bất động sản, Phó thống đốc khẳng định: Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ nói "siết chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán”. Quan điểm lâu nay của Ngân hàng Nhà nước vẫn là kiểm soát chặt chẽ tín dụng và lĩnh vực rủi ro trong đó có bất động sản đầu cơ, chứng khoán mang tính đầu cơ còn nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp - là những hàng hoá cần thiết thì vẫn khuyến khích.

Tác giả: T.L

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến