Dòng sự kiện:
Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận 1.300 giao dịch đáng ngờ trong 9 tháng đầu năm
23/10/2019 07:36:00
Báo cáo Quốc hội về tỉnh hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết 9 tháng đầu năm, đã tiếp nhận khoảng 1.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ.

NHNN chuyển giao thông tin liên quan đến 100 vụ việc giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, NHNN đã nhận được khoảng 200 văn bản đề nghị cung cấp thông tin từ các cơ quan chức năng, trong đó đã xử lý hầu hết các văn bản này. Các thông tin do NHNN chuyển giao, cung cấp qua công tác phòng, chống rửa tiền đã hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, >xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn trong thời gian qua.

Theo quy định hiện nay về phòng chống rửa tiền, các giao dịch đáng ngờ như không thể xác định được khách hàng theo thông tin cung cấp; doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp; dấu hiệu giao dịch đáng ngờ đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực trò chơi có thưởng…

NHNN đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho đợt đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về cơ chế phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam. Cụ thể, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 và kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thành báo cáo tuân thủ kỹ thuật (báo cáo TC); báo cáo tính hiệu quả đối với 11 mục tiêu trực tiếp (báo cáo IO); tổ chức làm việc giữa đoàn đánh giá tiền trạm của APG với các bộ, ngành liên quan về nội dung báo cáo TC.

Hiện NHNN đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho đánh giá đa phương của APG tại Việt Nam vào tháng 11/2019... Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Phòng, chống rửa tiền.

Ngoài đề cập tình hình đấu tranh phòng chống rửa tiền, báo cáo Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. 

Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Khoảng 53.000 tỉ đồng rót vào BOT có nguy cơ phát sinh nợ xấu. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Đặc biệt, trong báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến tháng 9, tín dụng các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ cho vay.

"Hiện nay, có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỉ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng.

Theo đó, các biện pháp trọng tâm cần thực hiện là hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án, tập trung xử lí các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến