Trước khi có 2 đợt điều chỉnh giảm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 6 lần thực hiện nâng tỷ giá này, từ 23.050 lên 24.870 đồng/USD, tức tăng tổng cộng 1.720 đồng (tăng 7,4%).
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố phiên này ở mức 23.675 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5%, các ngân hàng được phép giao dịch ở mức thấp nhất 22.491 đồng/USD và cao nhất 24.859 đồng/USD.
Giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng hạ nhiệt sau giai đoạn tăng mạnh từ trung tuần tháng 10. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND giảm sau thời gian tăng mạnh.
Tuy nhiên, hiện hầu hết nhà băng vẫn niêm yết giá bán đồng bạc xanh ở mức kịch trần cho phép. Giá USD có lúc lên gần 24.900 đồng/USD nhưng hôm nay các nhà băng giao dịch ở 24.578-24.858 đồng/USD (mua - bán).
Dù vậy, so với đầu năm, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn tăngtừ 7 - 8,5%.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng giảm mạnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây và đã xuống dưới mốc 25.000 đồng/USD. Chiều 18/11, nhiều điểm đổi ngoại tệ trên thị trường phi chính thức giao dịch mỗi USD với giá 24.915-24.985 đồng (mua - bán), đã tăng 57 đồng ở chiều mua và 47 đồng ở chiều bán so với sáng nay.
Với diễn biến này, giá mỗi USD trên thị trường tự do chênh khoảng 100-150 đồng so với các ngân hàng thương mại. Hồi tháng 7, có thời điểm mức chênh lên tới 300-350 đồng/USD.
USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh - cũng trong xu hướng đi xuống từ đầu tháng 11 về vùng thấp nhất 3 tháng. So với đầu tháng nay, USD Index đã giảm hơn 5% về 106,3 điểm. USD yếu hơn trong ngắn hạn khi lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt.
Giá vàng thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi tăng mạnh vào đầu tuần, hiện giao dịch quanh 1.766 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 66,6-67,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với mức mở cửa phiên.
Dữ liệu của Mỹ hôm 15/11 cho thấy: Lạm phát giá tiêu dùng thấp hơn dự kiến, khiến nhiều nhà phân tích hy vọng rằng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, từ đó nhà đầu tư cũng tăng nhu cầu đố với các tài sản rủi ro hơn, trong khi giảm nhu cầu nắm giữ đồng bạc xanh như nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, chiều ngược lại, nhiều chuyên gia cho rằng FED vẫn là ngân hàng trung ương tích cực nhất G10 trong việc thắt chặt tiền tệ, dù có điều chỉnh giảm tốc độ nhưng vẫn ở mức cao hơn. Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: Điểm tích cực hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND là thặng dư xuất khẩu bắt đầu tích cực hơn trong tháng 10 và vốn FDI đăng ký cũng đã tăng trở lại, cộng với việc giá USD trên thị trường thế giới giảm, áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ sớm hạ nhiệt. Theo Yuanta, Ngân hàng Nhà nước cũng đã dừng bán USD ổn định tỷ giá trong vài tuần qua. |
Tác giả: Hải Anh