Dòng sự kiện:
Ngân hàng niêm yết, kẻ chùn bước, người rục rịch chuyển sàn
14/06/2020 11:43:13
Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2020, Chính phủ đã đưa ra hạn cuối để các NHTM niêm yết trên thị trường chính thức là năm 2020. Tuy nhiên, do tác động bởi Covid-19, nhiều nhà băng đã 'chùn' bước.

Rút hồ sơ niêm yết vì dịch bệnh

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 diễn ra ngày 12/6, ABBank đã báo cáo cổ đông về sự thay đổi lộ trình kế hoạch niêm yết do liên quan công tác chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội.

 Theo đó, lộ trình lưu ký và niêm yết được điều chỉnh tạm ngừng để đợi hoàn thành thủ tục pháp lý về trụ sở mới, đảm bảo đồng bộ thông tin tránh việc phải sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ có thể kéo dài làm thủ tục lưu ý, niêm yết.

Trước đó hồi đầu năm 2019, ABBank đặt kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5, HĐQT Ngân hàng Hàng Hải (MSB) đã trình cổ đông thông qua việc rút lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HOSE.

Trước đó hồi cuối năm 2019, MSB đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu lên HOSE, với mã chứng khoán MSB. Tuy nhiên, kế hoạch này bị hoãn lại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có sự ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB giải thích, cuối năm 2019, Ngân hàng đã nộp hồ sơ nhưng có thể do khối lượng hồ sơ lớn nên chưa xử lý kịp.

 Sang đầu năm 2020 lại xuất hiện dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế và ngành ngân hàng cũng như các công ty niêm yết bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, kế hoạch niêm yết của MSB phải hoãn lại. Tuy nhiên, lãnh đạo MSB cam kết với cổ đông chắc chắn sẽ niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi.

HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 được tổ chức vào cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, đây là lần thứ 3 nhà băng này thông qua kế hoạch lên sàn, nhưng chua triển khai.

Hay tại OCB, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE đã được nhà băng này trình cổ đông thông qua từ ĐHĐCĐ năm 2017. Sau khi lỡ hẹn nhiều năm, OCB dự kiến niêm yết đầu năm 2020.

OCB bỏ qua bước đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM, song trước bối cảnh dịch Covid-19 tác động lên thị trường, ngân hàng này cũng chưa triển khai được kế hoạch lên sàn như dự kiến và khả năng còn dời lại. Tuy nhiên, OCB sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua kế hoạch này trong kỳ ĐHCĐ thương niên diễn ra vào ngày 30/6/2020 tới đây.

Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, việc niêm yết phải làm sao mang lại lợi ích cho cổ đông, nên ngân hàng chỉ niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu mới tăng.

OCB vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 7.899 tỷ đồng lên hơn 8.767 tỷ đồng vào giữa tháng 3/2020 sau khi cổ đông ngân hàng thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn điều lệ cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản.

Toàn bộ lượng vốn thu về sẽ được bổ sung nguồn vốn kinh doanh đầu tư và cho vay. Năm nay, OCB đặt mục tiêu hoàn thành tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài nói trên. 

Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài của OCB là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây.

Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ do một quỹ của Vina Capital nắm giữ.

Ngày 27/6 tới, Nam A Bank sẽ tiến hành ĐHĐCĐ để trình thông qua kế hoạch hoạt động năm 2020. Trong các kỳ đại hội trước, nhà băng này đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bỏ qua UPCoM, song hơn 2 năm qua vẫn chưa chưa thể triển khai. Theo lý giải của HĐQT Nam A Bank, do điều kiện thị trường chưa thuận lợi nên chưa niêm yết.

Nam A Bank đã gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của Nam A Bank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết theo trình tự quy định của pháp luật về chứng khoán.

Làn sóng chuyển sàn HOSE

SHB vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 cho biết, tại đại hội diễn ra vào ngày 15/6 tới, sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu của SHB sang sàn HOSE, Ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm chuyển đăng ký niêm yết, lựa chọn đơn vị tư vấn…

Là một trong những doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Hà Nội (HNX), ACB cũng muốn chuyển sàn sang HOSE sau nhiều năm niêm yết trên sàn Hà Nội. 

HĐQT ACB cho biết, việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE chỉ là vấn đề thời gian khi Thủ tướng đã đồng ý lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, trên cơ sở sắp xếp lại hai sàn.

Từ 2020 - 2023, dự kiến thị trường cổ phiểu chuyển về sàn HOSE quản lý còn HNX quản trái phiếu (trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp) và tạo dựng thị trường chứng khoán phái sinh.

Tuy nhiên, HĐQT ACB cho rằng, đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu từ sàn HNX sang HOSE.

Theo lý giải của lãnh đạo ACB, việc chuyển đăng ký niêm yết có thể đem lại lợi ích khi cổ phiếu ACB nhiều khả năng được lọt vào các rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND (10%)... Từ đó, nó có thể giúp làm tăng giá trị thị trường. Thời gian chuyển sàn sẽ do HĐQT quyết định nếu cổ đông đồng ý.

Tại đại hội diễn ra vào 16/6 tới, ACB cũng trình cổ đông phương án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng, nhằm bổ sung nguồn vốn cấp 2, vốn kinh doanh cho vay trung, dài hạn.

Năm 2020, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận khá thận trọng với mức lãi trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng (năm ngoái là 7.516 tỷ đồng). Ngân hàng trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận năm 2019.

Tương tự, VIB cũng đăng ký niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay. Đây là một thông tin rất tích cực cho nhà đầu tư trong năm 2020 khi cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón, nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn giao dịch trên UPCoM.

VIB sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 30/6/2020 và dự kiến trình cổ dông thông qua mục tiêu kinh doanh dự kiến tín dụng tăng 24%, lợi nhuận 4.500 tỷ đồng trong năm 2020.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến