Ngân hàng: NIM tăng, khả năng sinh lời vẫn giảm
09/09/2015 12:35:49
ANTT.VN – Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối NHTM giảm.

Tin liên quan

Trụ sở Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC)

NIM tăng, khả năng sinh lời vẫn giảm

Nhìn nhận hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đánh giá: “Khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập DPRR tăng”.

Theo đó, tính tới 10/8/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế (cho vay doanh nghiệp, cá nhân, và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 8,3% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,7% của 7 tháng đầu năm 2014.

Tăng trưởng tín dụng tốt hơn, khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn phần nào giúp khoản mục “lãi dự thu” của các NHTM cũng giảm nhẹ (-4,2%) so với cùng kỳ 2014.

Hiện tại, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối NHTM giảm.

Điều chỉnh tỷ giá chỉ “kích” nhẹ lạm phát

NFSC điểm lại diễn biến của thị trường ngoại hối, đặc biệt là sau biến cố “nhân dân tệ”: Trước việc NDT mất giá 2,9% trong tuần thứ 2 tháng 8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động nới biên độ tỷ giá lên 2% ngay trong tuần và lên 3%, cùng với điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, trong tuần tiếp theo.

Theo đó, tỷ giá thị trường chính thức cũng tăng 1,3% trong tuần thứ 2 và 1,7% trong tuần tiếp theo (tổng cộng là 3%). Mức tăng trên bằng với mức mất giá của NDT cũng như mức mất giá trung bình của đồng tiền 8 nước châu Á (bao gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore, Phillipine, Malaysia, Thái Lan và Indonesia) trong tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8.

“Động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường”, cơ quan giám sát nhật định.

Trước lo ngại rằng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ gây ra áp lực đẩy lạm phát tăng cao, NFSC lường tính: “Dựa trên kỳ vọng của thị trường thông qua những thay đổi của lợi suất TPCP, UBGSTCQG đánh giá hai lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm %, là mức tăng không đáng kể”.

Do đó, UBGSTCQG giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.

Cân đối ngân sách vẫn là một bài toán khó

“Phát hành TPCP trên thị trường sơ cấp vẫn gặp nhiều khó khăn”, NFSC nhìn nhận.

Cụ thể, phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước từ đầu năm đến nay chỉ đạt xấp xỉ 94.300 tỷ đồng, tương đương 37,7% kế hoạch cả năm. Từ đầu tháng đến ngày 26/8, KBNN vẫn chủ động duy trì lãi suất chào thầu ở mức cao, nhưng kết quả trúng thầu trái phiếu KBNN chỉ đạt giá trị 4.025 tỷ đồng tương đương tỷ lệ 38%.

“Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND, tỷ lệ trúng thầu TPCP đã giảm mạnh. Tỷ lệ trúng thấu TPCP kỳ hạn 5 năm giảm từ mức 50%-100% (23/6 đến 12/8) xuống mức dưới 32% (từ 13/8).    

Thêm vào đó, tính đến ngày 15/8, thu ngân sách tăng 7,3% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng của hai năm trước đó (năm 2014 và 2013 thu ngân sách so với cùng kỳ lần lượt là 16,9% và 10,2%) và mới chỉ đạt 63,5% dự toán năm 2015 (cùng kỳ 2014 đạt 68,8%).

So với cùng kỳ 2014, thu từ dầu thô giảm 30%; thu từ xuất nhập khẩu giảm 2,1%; thu nội địa mặc dù tăng 17,1% .

N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến